LS Vũ Thảo

Chồng vay nợ không trả được thì chủ nợ có quyền lấy tài sản của vợ, chồng không?

Pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm liên đới của vợ chồng? Khi nào vợ phải thanh toán các khoản nợ mà chỉ chồng kí kết hợp đồng vay? Trường hợp chồng không thanh toán được khoản nợ thì xử lý tài sản chung của vợ chồng như thế nào? Đây là những trường hợp thường xuyên xảy ra trên thực tế nên các bên cần tìm hiểu kỹ quy định pháp luật hoặc liên hệ đến các luật sư để được đảm bảo tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

1. Luật sư tư vấn nghĩa vụ thanh toán nợ của vợ, chồng

Trong thời kì hôn nhân, quá trình chung sống thì vợ chồng thường phát sinh rất nhiều vấn đề. Trong đó, các vướng mắc liên quan đến các khoản nợ của các bên cũng không ngoại lệ. Các bên thường khó khăn trong việc xác định khoản nợ nào là khoản nợ chung của vợ chồng, khoản nợ nào là khoản nợ mà một bên có trách nhiệm thanh toán riêng? Việc xác định nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng được quy định tại Luật hôn nhân và gia đình, và được hướng dẫn tại các văn bản pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào các bên cũng có thể dễ dàng xác đinh nghĩa vụ này. Do đó, thực tế Luật Minh Gia đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp tranh chấp của vợ, chồng liên quan đến xác định khoản nợ chung.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức pháp luật quy dịnh trách nhiệm chung về tài sản của vợ chồng.

2. Xác định trách nhiệm liên đới của vợ chồng với khoản nợ: 

Câu hỏi: Chào Luật sư. Em có thắc mắc nhờ luật sư giải đáp giúp em. Câu chuyện như sau: 02 vợ chồng em cưới nhau được ba má chồng cho tài sản là 1 mảnh đất kèm nhà có sổ đỏ riêng và hỗ trợ kinh phí mua xe ô tô để kinh doanh vận tải (01 phần ba má chồng hỗ trợ, 01 phần vay ngân sách). Hai tài sản này chồng em đứng tên. Chồng em chơi bời và vay mượn 550 triệu nhưng gia đình không biết. Hiện tại những người cho vay nợ đòi nợ và chồng em có ý định đi trốn 1 thời gian để kiếm tiền rồi trả dần. Những người đó đòi lấy xe (hiện tại còn nợ tiền bên ngân hàng vay mua xe nên giấy tờ xe ngân hàng giữ). Vậy:

1. Em có trách nhiệm phải trả số nợ mà chồng em vay của họ hay không? 

2. Tài sản nhà và xe chồng em đứng tên, nếu họ đòi nợ và có ý định lấy xe, cầm nhà thì có được không? Em cảm ơn luật sư!

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo Điều 60 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ của tài sản đối với người thứ 3 khi ly hôn như sau: 

"1. Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác. 

2. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết".

Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về trách nhiệm liên đới của vợ chồng: 

"1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này. 

2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này". 

Và Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng: 

" Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm; 

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; 

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; 

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình; 

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường; 

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan".

Như vậy, trường hợp bạn không biết về việc chồng mình có khoản vay tiền (không có sự thỏa thuận giữa 2 vợ chồng về việc vay nợ và sử dụng số tiền này), việc vay tiền của chồng bạn cũng không phải là quan hệ đại diện giữa vợ và chồng theo quy định tại điều 24, 25, 26 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 hoặc không phải khoản vay để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì khoản nợ này không được xác định là khoản nợ chung của vợ chồng bạn. Tức là bạn không có trách nhiệm nhiệm thanh toán khoản nợ của chồng bạn.

Nếu chồng bạn chứng minh được đã có thỏa thuận với bạn về việc vay tiền và bạn có liên quan tới việc sử dụng số tiền này để làm ăn, phục vụ nhu cầu gia đình thì bạn sẽ phải chịu trách nhiệm trả nợ liên đới với chồng.

- Liên quan đến việc chủ nợ lấy xe, nhà:

Như đã phân tích ở trên thì trường hợp chồng bạn có khoản vay nợ riêng từ người khác thì chồng bạn có trách nhiệm phải thanh toán khoản nợ này. Còn trường hợp đây là khoản nợ chung của vợ chồng bạn thì cả bạn và chồng bạn đều phải thanh toán cho chủ nợ. Tuy nhiên, khi đến hạn thanh toán mà chồng bạn không có khả năng trả nợ thì chủ nợ không có quyền trực tiếp lấy xe, nhà của vợ chồng bạn mà họ phải làm đơn khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu chồng bạn/vợ, chồng bạn thực hiện nghĩa vụ trên hợp đồng. Sau khi có bản án, quyết định của Tòa án mà chồng bạn/vợ, chồng bạn không tự nguyện thi hành án thì cơ quan thi hành án có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án là kê biên tài sản của vợ, chồng bạn/tài sản riêng của chồng bạn bán đấu giá để thanh toán khoản nợ.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo