Chồng ở nước ngoài có thể đơn phương ly hôn không?
Gửi văn phòng tư vấn luật sư ,Vào năm 2007 , tôi đã tiến hành lễ kết hôn và có ký giấy đăng ký kết hôn với 1 người Việt quốc tịch Mỹ và ở lại Việt Nam chờ anh làm giấy tờ bảo lãnh đi Mỹ . Sau đó Anh ấy đã về Mỹ và không hề quay lại Việt Nam ( hay là có về nhưng không liên lạc với tôi ) . Cách đây 2 năm , tôi có dò hỏi và nghe nói rằng anh đã có vợ, con ở Mỹ rồi.Tôi không rõ giấy tờ bảo lãnh anh đã tiến hành phía bên Mỹ như thế nào trong những năm qua.Tôi dù gì cũng đã kết hôn với anh và vẫn luôn giữ giấy chứng nhận kết hôn ( tại Saigon) và chờ đợi... Đã quá nhiều năm trôi qua ! Cả quảng thời tuổi trẻ của tôi trôi qua... Tôi bây giờ không muốn chờ mong gì nữa nhưng bản thân tôi không tự đi Mỹ được để gặp anh nói chuyện một lần cho rõ ràng. Tôi phân vân không biết phải giải quyết giấy tờ kết hôn đã ký tại Việt Nam như thế nào ...Tôi chỉ liên lạc qua điện thoại được với Ba Má của anh vài lần để nhờ họ nhắn anh về Việt Nam ký giấy ly dị nhưng cũng không có tác dụng. Rồi sau đó mất liên lạc.Mọi việc cứ im lìm như thế bao nhiêu năm nay và tôi thực sự không muốn tốn thời gian chờ đợi mông lung nữa. Tôi một phần không rành về luật và một phần thì rất buồn và thất vọng trong vài năm qua nên cũng không biết bắt đầu từ đâu.Tôi rất mong quý luật sư tư vấn cho tôi:1. Nếu tôi muốn tự tiến hành thủ tục ly dị để cá nhân tôi có tự do về mặt pháp lý cũng như sớm kết thúc được nghiệp duyên này. 2. Nếu tôi muốn kiện anh đã vô trách nhiệm với vợ có được không ? vì anh thì ở Mỹ còn tôi thì ở Việt Nao nào giờ từ sau khi kết hôn . Tôi rất mong sớm nhận được hồi âm tư vấn từ phía văn phòng luật .Xin chân thành cảm ơn !
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:
Theo thông tin chị cung cấp, chị và chồng đã thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại Việt Nam, nhưng hiện anh này đang có vợ, con cùng chung sống bên Mỹ. Vậy, trong hai cuộc hôn nhân này, đâu mới là kết hôn đúng luật và được pháp luật công nhận giá trị pháp lý.
Hiên tại, pháp luật Việt Nam hay pháp luật Mỹ đề chỉ công nhận chế độ hôn nhân một vợ - một chồng, do vậy một người không thể được công nhận có tới 2 cuộc hôn nhân vào cùng thời điểm. Chị cần xác định lại cuộc hôn nhân nào được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn trước và thủ tục đăng ký kết hôn giữa chị và chồng có được coi là hợp pháp hay không. Nếu anh chị thuộc trường hợp kết hôn trái pháp luật thì thay vì yêu cầu giải quyết ly hôn, chị có thể yêu cầu tòa án ra quyết định không công nhận quan hệ vợ chồng. Khi đó, chị và anh này sẽ không còn ràng buộc bởi giấy chứng nhận kết hôn đã ký nữa.
Còn trong trường hợp quan hệ hôn nhân của hai anh chị là hợp pháp, được pháp luật công nhận, thì khi muốn chấm dứt quan hệ vợ chồng buộc phải thông qua thủ tục giải quyết ly hôn.
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về ly hôn có yếu tố nước ngoài tại Điều 127 như sau:
Điều 127. Ly hôn có yếu tố nước ngoài
1. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.
2. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
3. Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
Theo đó, việc giải quyết ly hôn giữa chị và chồng là người nước ngoài sẽ được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Cụ thể, tại Điều 469 – Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 có quy định:
Điều 469. Thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài
…
d) Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;
Như vậy, tuy chồng chị không trực tiếp sinh sống và làm việc tại Việt Nam, nhưng chị với tư cách nguyên đơn là công dân Việt Nam thì Tòa án nhân dân tại Việt Nam vẫn có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Với vụ việc ly hôn có một trong hai đương sự là người nước ngoài, thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Đối với một vụ việc ly hôn đơn phương, Tòa án sẽ giải quyết nếu có một trong các căn cứ quy định tại Điều 56 – Luật Hôn nhân và gia đình 2014 sau đây:
Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Như vậy, chỉ trong các trường hợp: vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được … thì Tòa án sẽ giải quyết yêu cầu ly hôn của chị, khi yêu cầu này chỉ xuất phát từ một bên.
Để thwucj hiện thủ tục ly hôn, chị cần chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm những giấy tờ sau:
- Đơn yêu cầu giải quyết ly hôn;
- Giấy đăng ký kết hôn bản gốc;
- Bản sao có chứng thực sổ hộ khẩu;
- Bản sao có chứng thực CMND/Hộ chiếu của vợ và chồng
- Các chứng cứ tài liệu chứng minh tài sản chung (nếu có yêu cầu phân chia tài sản chung trong hôn nhân) và chứng cứ tài liệu chứng minh vấn đề vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của vợ chồng dẫn đến hôn nhân không thể kéo dài.
Chị cần nộp một bộ hồ sơ với đầy đủ các giấy tờ, tài liệu trên đến Tòa án nhân dân cấp Tỉnh nơi chị đang cư trú để yêu cầu giải quyết việc ly hôn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin nói thêm rằng, vụ việc sẽ phải thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp bởi chồng chị hiện đang cư trú tại nước ngoài và không có mặt tại Việt Nam, do đó sẽ mất thêm chi phí ủy thác tư pháp và thời gian giải quyết yêu cầu xin ly hôn cũng sẽ kéo dài hơn thông thường.
Pháp luật chỉ công nhận chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, nên các hành vi phạm chế độ này sẽ bị xử phạt theo căn cứ tại Điều 48 – Nghị định 110/2013/NĐ-CP như sau:
Điều 48. Hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng; vi phạm quy định về ly hôn
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
...
Nếu hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là hai anh chị phải ly hôn, chồng chị còn có thể phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 182 – Bộ luật Hình sự 2015:
Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
...
Do đó, chị có thể báo cáo với cơ quan có thẩm quyền, yêu cầu họ xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với anh này vì hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất