Chồng có trách nhiệm với khoản nợ của vợ không?
Cô T hiện đang sống cùng chồng và chồng cô có tài sản nhưng chồng cô T không có ý định trả nợ tiền thay cho vợ. Thấy sự việc như vậy nên tôi đã đưa đơn lên toà án nhằm muốn lấy lại số tiền đã cho vay nhưng có một số vấn đề tôi thắc mắc như sau:
1) Là nếu sau khi có bản án thi hành án nhưng cô T (người vợ) không có khả năng chi trả có thể đã tẩu tán hết tất cả tài sản của mình không đứng tên bất cứ tài sản nào thì người chồng có nghĩa vụ liên đới trả nợ gì cho vợ không.
2) Cô T có lập một hợp đồng bán nhà giả cho tôi có được coi là lừa đảo chiếm đoạt tài sản không ? Có thể đưa lên án hình sự được không ? Và nếu là án hình sự thì trình tự thủ tục thưa kiện ra sao phải đưa đơn đến cơ quan nào.
Kính mong luật minh gia hỗ trợ tư vấn dùm tôi Chân thành cảm ơn!
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi yêu cầu đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của chúng tôi tư vấn như sau:
Về nguyên tắc, khi vợ chồng thực hiện một giao dịch liên quan đến tài sản chung thì phải có sự đồng ý của hai vợ chồng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp vợ chồng phải liên đới chịu trách nhiệm ngay cả khi giao dịch đó phát sinh do một bên thực hiện. Về trách nhiệm liên đới của vợ chồng thì Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định như sau:
Điều 27. Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng
1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.
…
Tại Khoản 1 Điều 30 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định: “Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình”. Như vậy, trong trường hợp của bạn, để xác định người chồng cô T có phải cùng trả nợ với cô T hay không thì cần phải xem xét xem khoản tiền cô T vay có nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình hay không. Trong trường hợp của bạn, do thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi còn hạn chế, nên chúng tôi đưa ra các phương hướng tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất: Nếu như cô T vay tiền của bạn để sử dụng vào mục đích riêng, không sử dụng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu trong gia đình và người chồng hoàn toàn không biết về việc vay tiền đó thì về nguyên tắc chồng cô T không có nghĩa vụ cùng cô T trả khoản nợ đó.
Thứ hai: Nếu như cô T vay tiền của bạn để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình như: chi phí sửa chữa nhà, chăm sóc sức khỏe của các thành viên trong gia đình, việc học hành của các con…kể cả trong trường hợp chồng cô T không biết và không ký vào hợp đồng vay. Thì đây cũng sẽ được xác định là nợ chung của vợ chồng. Và về nguyên tắc thì chồng cô T sẽ có nghĩa vụ liên đới trả khoản nợ đó cho bạn.
Còn về vấn đề cô T có lập một hợp đồng bán nhà giả cho bạn. Để có thể kết luận hành vi của cô T có phải là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không thì cần phải căn cứ vào tình tiết cụ thể của vụ việc, mối quan hệ giữa bạn với cô T, mục đích cũng như động cơ của cô T về việc sử dụng tiền vay đó như thế nào. Do bạn không cung cấp chi tiết, cụ thể vụ việc của bạn. Nên chúng tôi không thể kết luận được hành vi của cô T có đủ dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không.
Về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chúng tôi đã có bài viết phân tích, bạn có thể tham khảo bài viết sau: Phân tích về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu như mà cô T có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 139 BLHS 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì bạn có thể tiến hành làm đơn yêu cầu khởi tố cô T tại Công an huyện (quận, thành phố thuộc tỉnh) nơi cô T cư trú hoặc nơi bạn cư trú. Kèm theo đơn yêu cầu khởi tố là bằng chứng, chứng cứ để phục vụ cho việc điều tra của cơ quan công an.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất