Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Chồng bỏ mặc không chăm con có được nuôi con khi ly hôn?

Luật sư tư vấn về trường hợp con có trước thời kì hôn nhân, chồng không quan tâm chăm sóc con và vấn đề ai là người có quyền trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn. Cụ thể như sau:

Xin chào luật sư! Em năm nay 32 tuổi , chồng em 31 tuổi tụi e quen nhau từ lúc học chung phổ thông sau đó  có con nhưng chồng em không thừa nhận và đổ mọi trách nhiệm cho 1 mình em nuôi dưỡng từ lúc mang bầu đến khi 4 tuổi. Chúng em kết hôn vào T7/202x nhưng về sống chung mới hiểu chồng em không lo làm ăn, nghe lời mẹ toàn chửi mắng vợ và ghen tuông vô cớ, mới cưới về 1 tháng nhưng đã xách quần áo em về nhà cha mẹ em nói đuổi trả mặc dù có thay đổi sau đó nhưng vẫn tính nào tật ấy, không thể sống chung được và em quyết định ly hôn nhưng chồng em ko đồng ý và giành con.

Lúc trước e làm kế toán nhưng nghe lời chồng về quê kết hôn và hiện tại e chưa làm gì.xin hỏi luật sư e có được quyền nuôi con không khi gia đình chồng bỏ mặc cháu từ lúc chưa ra đời và chồng e bị tai nạn nhiều lần mặt mày biến dạng và bị động kinh thường lên cơn co giật. Xin LS tư vấn sớm giúp em , em chân thành cảm ơn!

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia! Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Như bạn có đề cập thì khi con bạn 4 tuổi hai vợ chồng bạn mới kết hôn nên cần xem xét về mặt pháp luật, đứa trẻ đã là con chung của vợ chông hay chưa để xác định ai có quyền nuôi con trong trường hợp này. Có thể có 2 khả năng xảy ra:

Trường hợp thứ nhất, tại thời điểm bạn sinh con hoặc sau khi bạn kết hôn với chồng chưa làm thủ tục xác định cha cho con và đăng kí khai sinh dưới tên người cha. Khi đó, đứa trẻ được xác định là con riêng của bạn nên bạn sẽ có toàn quyền trông nom, nuôi dưỡng và giáo dục cháu sau ly hôn.

Trường hợp tứ hai, tại thời điểm bạn sinh con hoặc sau khi kết hôn với chồng đã làm thủ tục xác định cha cho con và đăng kí khai sinh dưới tên của chồng bạn. Khi đó, đứa trẻ sẽ được xác định là con chung của vợ chồng nên khi vợ chồng bạn ly hôn sẽ áp dụng theo quy định về trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con sau ly hôn.

Theo quy định tại Điều 81, Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn thì:

“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”.

Theo đó, trước hết, quyền nuôi con sẽ theo sự thỏa thuận của các bên. Do vậy, bạn cần thỏa thuận với chồng về vấn đề quyền nuôi con để thống nhất xem ai có sẽ là người trực tiếp trông nom, chăm sóc và nuôi dưỡng cháu, ai là người có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con và mức cấp dưỡng như thế nào.

Trong trường hợp bạn không thể thỏa thuận được với chồng thì phải yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề con cái. Khi đó, Tòa án sẽ căn cứ vào những điều kiện của hai bên như điều kiện về kinh tế, sức khỏe,… để xem xét ai sẽ là người có khả năng nuôi dưỡng cháu được tốt nhất. Việc quyết định xem ai có quyền nuôi con sẽ căn cứ vào tình hình thực tế và quan điểm của từng Tòa nên chúng tôi không thể khẳng định bạn có thể giành được quyền nuôi con hay không.

Như bạn có đề cập thì chồng bạn đã bỏ con từ khi bạn có thai và tình trạng sức khỏe hiện tại của chồng bạn không tốt (bị động kinh), có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của con, việc trông nom nuôi dưỡng con nên đây có thể coi là lợi thế của bạn khi ra Tòa để xem xét quyền nuôi con. Tuy nhiên, hiện nay bạn đang không đi làm và không có thu nhập nên bạn sẽ không đáp ứng được điều kiện về kinh tế để nuôi dưỡng, chăm sóc con. Vì vậy, để đảm bảo vấn đề về kinh tế để nuôi dưỡng chăm sóc con bạn cần tìm việc làm để có thu nhập nhằm đảm bảo có lợi thế giành quyền nuôi con tốt nhất khi ra Tòa.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo