Luật gia Nguyễn Nhung

Cho vay tiền không có giấy tờ vay mượn có đòi được không?

Cho bạn học vay 2 triệu đồng, đã dùng nhiều cách nhưng chưa đòi được tiền, có truy cứu trách nhiệm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được không và phải làm thế nào để đòi lại được tiền đã cho vay. Nội dung tư vấn như sau:


Em có 1 người bạn tên H, học chung hồi cấp 3.Vào khoảng tháng 8/2016, em có cho H mượn 02 triệu đồng để xoay sở công việc (không có giấy tờ vay mượn) và hứa sẽ trả lại sau 3 tháng.Nhưng từ tháng 07/2017, tức là gần 1 năm sau. Em có gọi điện thoại để yêu cầu trả, nhưng bạn ấy cứ khước từ, hứa hẹn, rồi hứa sẽ chuyển khoản đến cuối tháng 09/2017 vẫn không chịu trả.Nhưng một lần nữa lại lánh khi thấy em gọi điện, nhắn qua Yahoo Messenger thì không thấy trả lời. Nói chung là giống như không muốn trả. Rồi em liên hệ với mấy người bạn cùng thời, cũng có được chung 1 câu trả lời, là nó không muốn trả, né tránh, có bạn còn nói "nó đòi tự tử nếu bị đòi". Nên các bạn đó bỏ luôn, coi như mất tiền, tất cả đều không có giấy tờ vay mượn (Tổng cộng bạn đó mượn tiền rồi "quỵt" là khoảng gần 30 triệu đồng - kể cả của em). Vậy cho em hỏi:

1/ Bạn ấy có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không?

2/ Em có được quyền thưa kiện không.

3/ Nếu không thể thực hiện mục 1/ và 2/ thì cách giải quyết thì như thế nào?

Cám ơn Công ty Luật Minh Gia.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định:

 

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm….”

 

Để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải có hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội, việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản.

 

Theo như thông tin bạn cung cấp, H có vay tiền nhiều người, số tiền vay lên tới 30 triệu đồng và không có ý định trả nên nếu bạn hoặc những bạn khác có căn cứ chứng minh được H cố tình lấy lý do vay tiền, lợi dùng lòng tin của các bạn để nhằm mục đích chính là chiếm đoạt tài sản, không hề có ý định trả tiền ngay từ đầu thì hành vi của H có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bạn cần chú ý là phải chứng minh được H có ý định chiếm đoạt tài sản ngay từ lúc vay tiền.

 

Theo quy định tại Điều 101 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 thì:

 

"Điều 101. Tố giác và tin báo về tội phạm

 

Công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác.

 

Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản."

 

Do vậy, bạn có thể tố giác hành vi lừa đảo chiểm đoạt tài sản của H với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan, tổ chức khác.

 

Nếu không thể tìm được chứng cứ chứng minh H có ý định chiếm đoạt tài sản ngay từ đầu thì ở đây chỉ tồn tại một quan hệ dân sự- vay mà không trả.

 

Theo quy định tại Điều 119 Bộ luật dân sự 2015 về hình thức giao dịch dân sự thì:

 

"1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

 

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

 

2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó."

 

Pháp luật dân sự không có quy định bắt buộc về hình thức của hợp đồng vay. Như vậy, hình thức hợp đồng vay tuân theo quy định về hình thức giao dịch dân sự và có thể thể hiện bằng văn bản, lời nói hoặc hành vi nhất định. Bạn đã cho H vay 2 triệu đồng, việc vay mượn tiền không lập thành văn bản tuy nhiên, ở đây có thể xác định giữa các bên đã xác lập một hợp đồng vay tiền bằng lời nói. Giao dịch dân sự không được lập thành văn bản trong trường hợp này vẫn được pháp luật thừa nhận.

 

Khi quyền lợi của bạn bị xâm phạm, bạn có thể khởi kiện ra tòa án nhân dân quận/huyện nơi cư trú của người vay tiền để được giải quyết.

 

Để đảm bảo đơn khởi kiện của bạn được Tòa án chấp nhận và thụ lý bạn phải cung cấp các tài liệu chứng cứ liên quan đến việc xác định đã có quan hệ giao dịch vay tiền trên thực tế, các tài liệu chứng minh có việc vay tiền, nhận tiền giữa hai bên. Trong trường hợp các bên không lập hợp đồng cho vay, cũng không có giấy biên nhận hay giấy ghi nợ thì bạn có thể xuất trình cho Tòa án các chứng cứ như bản ghi âm cuộc giao dịch vay tiền, nội dung tin nhắn vay tiền, nội dung email, người làm chứng xác nhận có việc vay tiền giữa 2 bên.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Hà Nhung - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169