Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Chia thừa kế cho con nuôi trong trường hợp có di chúc và không có di chúc?

Di chúc không chia thừa kế cho con nuôi thì con nuôi có được nhận thừa kế không? Trong trường hợp không có di chúc thì giải quyết thế nào?


Nội dung câu hỏi: Chào luật sư có một số thắc mắc nhờ luật sư giải đáp cho ông nội em có một mảnh đất có 2 người con trai và một con nuôi. khi ông em mất e cũng không biết có di chúc chia tài sản không nữa nhưng cho đến bây giờ e được biết là 2 ngươi con trai mỗi người một nữa. Và trong thời gian làm sổ đỏ cho mối người (người nào làm sổ đất cho phần đất của mình) nhưng khi đưa lên huyện thì huyện mới đưa về xã thử có ai khiếu kiện không rùi mới giải quyết. Thì CON NUÔI  của ông em mới làm đơn lên xã kiện tại sao cũng là con mà không được chia tài sản gì hết nên không chịu ký vào giấy làm sổ đỏ nên xã không giải quyết và đất đó đang được xem là đất tranh chấp và người thứ ba (CON NUÔI) không chịu ký nên xã không giải quyết vụ sổ đỏ đươc. Vậy cho em hỏi:

1. Nếu có di chúc của ông nội em mà trong đó chia cho 2 người con trai thôi thì người thứ 3(con nuôi) có quyền trong tài sản này không?

2. Nếu không để lại di chúc thì phải chia như thế nào? Trường hợp này em phải làm sao cho đúng pháp luật?

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Trước hết bạn cần xác định lại rõ xem người con nuôi của ông bạn là con nuôi theo quyết định của pháp luật hay không. Nếu người con nuôi đó không phải là con nuôi theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì người đó sẽ không được hưởng di sản thừa kế. Nếu đó là con nuôi theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì ta giải quyết như sau:

 

Thứ nhất, phân chia tài sản thừa kế theo di chúc

 

Điều 624 Bô luật Dân sự 2015 có quy định như sau: "Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết". 

 

Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; Phân định phần di sản cho từng người thừa kế; Dành một phần tài sản trong khối di sản để tặng, thờ cúng; Giao nghĩa vụ cho người thừa kế; Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản; người phân chia di sản.

 

Như vậy, việc lập di chúc và phân chia dỉ sản thuộc về ông bạn, nếu trong di chúc mà ông bạn để lại không có nội dung phân chia tài sản cho người con nuôi thì người con nuôi đó không thuộc trường hợp được nhận tài sản thừa kế. 

 

Tuy nhiên, Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc như sau: 

 

"1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc chi hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó: 

 

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

 

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động."

 

Như vậy, nếu người con nuôi của ông bạn là con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động thì dù không có tên trong di chúc nhưng người con nuôi vẫn được nhận di sản mà ông bạn để lại theo quy định trên.

 

Thứ hai, phân chia tài sản theo pháp luật

 

Theo quy định tại Điều 650 Bộ luật dân sự 2015 thì chia thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp không có di chúc, di chúc không hợp pháp;...

 

Nếu ông bạn mất đi mà không để lại di chúc thì việc phân chia tài sản thừa kế của ông bạn sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật. Điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: "Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;" 

 

Khoản 2 Điều 651 quy định: "Những người thừa kế được hưởng phần di sản bằng nhau".

 

Căn cứ theo các quy định pháp luật đã được nêu trên đây thì hai con đẻ của ông bạn và người con nuôi đều thuộc vào hàng thừa kế thứ nhất, vì vậy nếu ông bạn mất mà không để lại thừa kế thì theo quy định của pháp luật mảnh đất đó sẽ được chia đều cho cả ba người con.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !
CV tư vấn: Nguyễn Nhàn - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo