Luật sư Vũ Đức Thịnh

Chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn mà bố chồng đang đứng tên

Luật sư tư vấn miễn phí trường hợp "Bố chồng đang đứng tên trên sổ đỏ, trong khi nhà do hai vợ chồng đóng góp đẻ xây nên, khi có yêu cầu ly hôn thì căn nhà đó giải quyết thế nào?" như sau:

Nội dung đề nghị tư vấn: Chào tổng đài tư vấn, tôi có một chút vấn đề về chia tài sản khi ly hôn. Nội dung cụ thể như sau: Tôi lấy chồng từ năm 2008, khi lấy về chồng tôi không có 1 chút tài sản nào thậm chí khi về tôi còn trả nợ cho anh, sau khi xin ra ở riêng tôi đã có gắng làm, vay mượn và bố mẹ đẻ tôi có cho chút tiền để xây nhà, bố mẹ chồng cũng có nhưng chỉ bằng nửa của bố mẹ đẻ tôi thôi, sau khi xây nhà xong thì 2 vợ chồng cũng cố gắng làm trả nợ nhưng đa phần là tiền của gia đình nhà đẻ tôi cho để mua xe, sắm sửa đồ đạc trong nhà, nhưng sổ đỏ đất mà tôi xây nhà thì lại đứng tên bố chồng tôi, hiện tại tôi có 2 đứa con gái nếu chông tôi ly hôn thì tôi có được chia tài sản không hay là ra đi trắng tay? nếu được chia thì thực hiện thế nào ạ?

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

- Thứ nhất, về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

Tại Khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định: Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”

Theo quy định trên thì bạn và chồng bạn đều có quyền yêu cầu giải quyết đơn phương ly hôn hoặc cả hai vợ chồng yêu cầu giải quyết thuận tình ly hôn.

Chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn mà bố chồng đang đứng tên

Chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn mà bố chồng đang đứng tên

- Thứ hai, về việc giải quyết tài sản chung của vợ chồng bạn

Tại Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về Tài sản chung của vợ chồng như sau:

“Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.”

Mặt khác, tại Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai năm 2014 có quy định:

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”

Theo thông tin bạn cung cấp, hiện nay Bố chồng bạn đang là người đứng tên trên sổ đỏ. Vì vậy, theo quy định trên thì bố chồng bạn là chủ sở hữu hợp pháp phần diện tích đất mà bố chồng bạn đang đứng tên, và bạn không có gì để chứng minh căn nhà năm trên phần diện tích đất đó là của bạn nên Bố chồng bạn có đầy đủ các quyền năng của người sử dụng đất như: Chiếm hữu, sử dụng và định đoạt.

Do vậy, khi ly hôn, Tòa án chỉ giải quyết chia tài sản chung của vợ chồng. Tuy nhiên, Tại Điều 61 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về việc Chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình như sau:

“1. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần thì khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia theo quy định về Nguyên tắc giải quyết tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn.”

Như vậy, theo quy định trên thì trong trường hợp này, bạn sẽ được chia một phần trong phần tài sản mà bố chồng bạn đang đứng tên. Và bạn cần phải chứng minh công sức đóng góp của mình vào khối tài sản chung đó.

Trường hợp này, bạn nên tiến hành thủ tục đăng ký quyền sở hữu nhà ở đối với căn nhà mà bạn đã đóng góp công sức, tiền bạc để xây nên.

Tại Điều 16 Luật Nhà ở năm 2005 có quy định về Trình tự cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở như sau:

“1. Tại khu vực đô thị, việc nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được quy định như sau:

a) Tổ chức nộp hồ sơ tại cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh;

b) Cá nhân nộp hồ sơ tại cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện.

2. Tại khu vực nông thôn, việc nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được quy định như sau:

a) Tổ chức nộp hồ sơ tại cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh;

b) Cá nhân nộp hồ sơ tại Uỷ ban nhân dân xã hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện.
Trường hợp cá nhân nộp hồ sơ tại Uỷ ban nhân dân xã thì trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Uỷ ban nhân dân xã có trách nhiệm chuyển hồ sơ cho cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện.

...” )

Bạn có thể tham khảo thêm các quy định tại Điều 16 Luật Nhà ở năm 2005 để biết thêm chi tiết về thủ tục này.

Nếu bạn hoàn tất các thủ tục trên thì bạn mới có quyền sở hữu căn nhà đó

- Thứ ba, về quyền nuôi con sau khi ly hôn

Tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:

“2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Bạn có thể đối chiếu với quy định trên để có những quyết định phù hợp. tuy nhiên, bạn muốn giành quyền nuôi con thì bạn cần phải chứng minh với Tòa rằng mình có đủ các điều kiện để chăm sóc con một cách tốt nhất như:

+ Thu nhập hàng tháng (Có đảm bảo để nuôi con hay không);

+ Chỗ ở ổn định;

+ Môi trường sống (Có đảm bảo cho sự phát triển tốt nhất về thể chất lẫn tinh thần cho con không?);

+ Thời gian làm việc (Có thời gian để chăm sóc con hay không?);

+ Sự quan tâm, chăm sóc của cha/mẹ giành cho con?

- Thứ tư, về việc cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn

Tại Khoản 1 Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về Mức cấp dưỡng:

Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”

Ngoài ra, tại mục 11 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP quy định về mức cấp dưỡng như sau:

Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý...”.

Pháp luật không có quy định cụ thể mức cấp dưỡng là bao nhiêu mà tuy thuộc vào thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng một cách hợp lý.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn mà bố chồng đang đứng tên. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo