LS Vũ Thảo

Chia di sản thừa kế không có di chúc ?

Luật sư tư vấn trường hợp những người con tranh chấp liên quan tới việc phân chia di sản thừa kế khi người cha đã mất năm 1987 và người mẹ mất năm 2010. Nội dung tư vấn như sau:

Cha, mẹ tôi có 8 người con. Cha tôi mất năm 1987 không để lại di chúc. Mẹ tôi và gia đình người anh cả trông nom, quản lý tài sản chung của cha mẹ tôi là thửa đất diện tích 1400m2 và công trình nhà ở xây dựng trên mảnh đất.Đến năm 2010 mẹ tôi mất và cũng không để lại di chúc. Gần đây, anh em chúng tôi có họp gia đình để bàn về việc chia di sản thừa kế của cha mẹ tôi để lại nhưng người anh cả không chấp nhận. Vì vậy, chúng tôi đã làm đơn gửi lên toà án huyện yêu cầu giải quyết việc chia di sản thừa kế của cha mẹ tôi để lại. Qua đây tôi xin được hỏi luật sư theo pháp luật Việt Nam hiện hành thì di sản thừa kế nêu trên của cha mẹ tôi sẽ được phân chia như thế nào?  Mong sớm nhận được hồi âm từ luật sư. Tôi xin cảm ơn và chúc luật sư nhiều sức khoẻ. 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới công ty Luật Minh Gia. Từ những thông tin bạn cung cấp trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp, khối tài sản gồm quyền sử dụng đất và nhà ở trên đất là tài sản chung của bố mẹ bạn. Việc chia di sản được xác định như sau:

 

Thứ nhất, xác định di sản thừa kế khi bố bạn mất.

 

Bố bạn mất năm 1987, di sản mà bố bạn để lại là phần tài sản thuộc khối tài sản chung của bố mẹ bạn. Về thời hiệu chia di sản được quy định tại BLDS 2015:

 

“Điều 623. Thời hiệu thừa kế

 

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

 

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

 

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

 

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

 

3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”

 

Tuy nhiên, theo quy định tại Công văn 01/GĐ-TANDTC có quy định tại Mục I như sau:

 

“Kể từ ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015, khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30-6-2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính thì từ ngày 01-01-2017, Tòa án áp dụng khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thời hiệu thừa kế để thụ lý, giải quyết vụ án dân sự "Tranh chấp về thừa kế tài sản”.Theo đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế.”

 

Do vậy, với thời điểm hiện tại là năm 2018 – 28 năm kể từ năm 1990 nên vẫn còn thời hiệu để phân chia di sản thừa kế bố bạn để lại.

 

Thứ hai, mẹ bạn mất năm 2010, về thời hiệu hiện tại vẫn còn thời hiệu chia di sản thừa kế.

 

Bố mẹ bạn đều mất không để lại di chúc, do đó việc chia di sản được chia theo quy định của pháp luật. Khi đó di sản sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

Theo quy định trên, những người thừa kế nếu không thống nhất thỏa thuận được việc chia di sản thì có quyền nộp đơn yêu cầu tòa án chia di sản thừa kế. Nếu trong trường hợp mẹ bạn để lại tài sản không có di chúc thì sẽ chia theo nội dung của di chúc còn nếu như không có di chúc sẽ được chia theo pháp luật và sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định nêu trên.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Chia di sản thừa kế không có di chúc?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV Bảo Châu - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn