Luật sư Dương Châm

Cha mẹ tặng cho đất bằng miệng? Ly hôn có được phân chia tài sản không?

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Các vấn đề về căn cứ ly hôn, thủ tục ly hôn, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng sau ly hôn, chia tài sản,… được pháp luật quy định, đây là căn cứ pháp lý để các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, việc áp dụng những quy định pháp luật vào thực tế vẫn gặp những khó khăn, nên Luật Minh Gia làm rõ một số vấn đề pháp lý liên quan với ly hôn.

1. Luật sư tư vấn Luật Hôn nhân và gia đình

Trên tinh thần vừa tôn trọng sự tự thỏa thuận, quyền riêng tư của quan hệ hôn nhân, gia đình vừa đảm bảo quản lý và đảm bảo quyền, lợi ích giữa các bên trong quan hệ này lẫn các bên liên quan, pháp luật về hôn nhân gia đình đã xây dựng được khung pháp lý khá vững chắc quy định đầy đủ các vấn đề nội tại. Trong đó, ly hôn là vấn đề pháp lý được đặc biệt quan tâm trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.

Do đó, nếu bạn có thắc mắc liên quan đến Luật Hôn nhân - gia đình nói chung và các vấn đề về ly hôn nói riêng, bạn cần tham khảo các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 hoặc tham khảo ý kiến chuyên gia, luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Trường hợp bạn không có thời gian tìm hiểu hoặc không có luật sư riêng, bạn hãy liên hệ Luật Minh Gia để chúng tôi giải đáp và hướng dẫn các phương án cụ thể.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo nội dung chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Tư vấn về giải quyết tài sản khi ly hôn

Câu hỏi: Năm 2010 Vợ chồng tôi được Bố mẹ vợ cho mảnh đất ông bà đang đứng tên (cho bằng miệng), vợ chồng tôi cũng xây căn nhà tạm sinh sống, từ 2012-2014 tôi đi Angola về cũng có dư gần 1 Tỷ, năm 2016 Vợ chồng tôi muốn về quê nội làm nhà, thì Bố mẹ vợ nói cho mảnh đất đó Vợ chồng cứ làm đi (bằng miệng). Vợ chồng tôi đã xây ngôi nhà 2 tầng kiên cố, tôn tạo lại đất và xây bờ rào tách biệt, trong thời gian làm nhà mọi người trong gia đình vợ không có ý kiến gì và giúp Vợ chồng tôi trong thời gian làm nhà và được UBND Xã đo đạc, cuối năm 2018 đến nay, Gia đình tôi không được hạnh phúc (vợ cậy mảnh đất Bố mẹ cho). Bố mẹ vợ chửi bới đánh đập và đòi đuổi tôi ra khỏi nhà. Rất may là tôi có được những giấy tờ hợp pháp như, giấy chứng nhận sở hữu nhà ở tại địa phương, Biên lai Thuế XD nhà ở, chủ hộ và HKTT tại địa phương và nhiều hóa đơn mua Vật liệu xây dựng, giờ xin tư vấn, Vợ chồng tôi li hôn thì chia TS như thế nào thời gian làm nhà vợ chồng tôi cầm cố thế chấp mảnh đất bên nội và dỡ ngôi nhà lim về làm vật dụng trong nhà, khi li hôn giải quyết thể nào, xin chân thành cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn anh đã gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của anh, Luật Minh Gia tư vấn như sau:

Thứ nhất, về quyền sử dụng đất.

Theo thông tin anh cung cấp thì chúng tôi hiểu bố mẹ vợ anh có tặng cho vợ chồng anh mảnh đất và anh đã xây dựng nhà ở, công trình xây dựng, sử dụng ổn định đất từ thời điểm đó 2016 đến nay. Tuy nhiên, việc tặng cho chỉ thực hiện bằng miệng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn đứng tên bố mẹ vợ anh. Theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 thì việc tặng cho quyền sử dụng đất giữa bố mẹ vợ và anh không tuân thủ về mặt hình thức (không được công chứng, chứng thực và chưa làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu) nên hợp đồng có thể bị vô hiệu do vi phạm về hình thức.

Tuy nhiên, trong trường hợp anh chứng minh được bố mẹ vợ đã tặng cho vợ chồng anh quyền sử dụng đất, vợ chồng anh đã xây nhà và sinh sống ổn định trên đó từ năm 2016 đến nay thì hợp đồng tặng cho vẫn có thể được công nhận theo quy định tại điều 129 Bộ luật Dân sự 2015:

Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:

1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.”

Hợp đồng tặng cho tài sản của anh và gia đình vợ tuy chưa đúng về hình thức nhưng trên thực tế đã được thực hiện về mặt nội dung: gia đình vợ giao đất cho vợ chồng anh, vợ chồng anh xây cất, sinh hoạt tại đó, được chính gia đình vợ giúp đỡ về giấy tờ khi xây dựng nhà,… Anh có thể cung cấp thêm các chứng cứ khác thể hiện việc vợ chồng anh sinh hoạt hợp pháp liên tục, công khai, bên nhà vợ anh trao đất cho anh như: biên lai, hóa đơn tiền điện nước, đóng thuế sử dụng đất, hộ khẩu thường trú,… Khi anh chứng minh được hợp đồng tặng cho đã được thực hiện ít nhất hai phần ba thì có căn cứ yêu cầu Tòa án công nhận hiệu lực của hợp đồng. Khi đó, quyền sử dụng đất thuộc tài sản chung của hai vợ chồng. Khi ly hôn, tài sản chung của vợ chồng được chia theo nguyên tắc chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

“a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”.

Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

Trong trường hợp anh không thể chứng minh được bố mẹ vợ đã tặng cho vợ chồng mình quyền sử dụng đất hoặc chưa đủ căn cứ xác định các bên đã thực hiện được 2/3 nghĩa vụ của hợp đồng thì quyền sử dụng đất không được công nhận là tài sản chung của vợ chồng anh. Khi ly hôn, anh không được phân chia giá trị của quyền sử dụng đất.

Thứ hai, về các tài sản trên đất.

Theo khoản 1, 3 điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định thì: 

“1.Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”

Như vậy, đối với các tài sản khác gắn liền với đất được tạo lập sau khi kết hôn do cả hai vợ chồng bỏ công sức tạo lập sẽ được xác định là tài sản chung của hai vợ chồng và được chia theo nguyên tắc như đã nêu.

Vì anh chung sống cùng gia đình vợ nên trong trường tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình vợ anh không xác định được thì anh được chia một phần trong khối tài sản chung đó căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình.

Thứ ba, về nghĩa vụ tài sản

Đối với khoản nợ để làm nhà với tài sản thế chấp là mảnh đất bên nội thì sẽ cần thêm thông tin để xác định, khoản nợ này do trực tiếp vợ chồng anh vay của người nhận thế chấp hay vay bên nhà nội của anh với số tiền thế chấp? Tuy nhiên, dù là trường hợp nào thì cũng có thể xác định rằng đây là khoản nợ chung của vợ chồng anh nên đều phải có nghĩa vụ trả nợ, dù ly hôn nhưng nghĩa vụ chung này vẫn còn tồn tại.

Như vậy, về quyền sử dụng đất phải tùy vào các trường hợp để xét đây có phải là tài sản chung của hai vợ chồng không. Đối với các tài sản khác được tạo lập do sự đóng góp của cả hai như nhà ở sẽ là tài sản chung của hai vợ chồng và được chia theo nguyên tắc chia đôi dựa theo tình hình thực tế. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo