Phạm Việt Hằng

Cần làm gì khi mua nhầm tài sản do người bán lừa đảo mà có?

Ngày nay, không ít các trường hợp mua bán mà hàng hóa trao đổi là tài sản, phương tiện có được thông qua việc người bán thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Bởi tính cả tin mà người mua không kiểm chứng dẫn đến không thể sử dụng trên thực tế dù đã mất một khoản tiền. Liệu rằng trong trường hợp này, người mua có bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Làm cách nào để lấy lại số tiền đã đưa? Trường hợp sau đây sẽ giải đáp thắc mắc trên.

Câu hỏi:

Tôi có mua phải 1 chiếc xe ô tô liên quan đến vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tư nhân, chuyên đi thuê xe về rồi làm giấy tờ giả mang đi bán. Khi biết được chiếc xe liên quan đến vụ án tôi đã tự nguyện giao nộp cho bên cơ quan điều tra đến nay được 12 tháng chưa thấy bên phạm nhân trả lại số tiền tôi bỏ ra mua chiếc xe. Vậy xin được nhờ công ty luật Minh Gia tôi phải làm gì để đòi lại được số tiền mà tôi đã bỏ ra mua chiếc xe đó ạ.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp của bạn, chúng tôi có ý kiến tư vấn như sau:

Việc mua bán của bạn là giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật. Một giao dịch dân sự được xem là có hiệu lực khi đáp ứng được các quy định theo quy định của Bộ luật Dân sự.

1. Điều kiện để một giao dịch dân sự có hiệu lực:

Tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”

Như vậy, để giao dịch dân sự được coi là có hiệu lực, khi tiến hành giao dịch cần đáp ứng đủ các điều kiện trên. Trong dân sự, tính tự nguyện luôn được đề cao nhưng các yếu tố khác liên quan đến chủ thể thực hiện giao dịch, hàng hóa trao đổi…hay tính tuân thủ pháp luật và đạo đức xã hội vẫn cần được lưu ý để hạn chế tối đa các tranh chấp có thể xảy ra.

Theo đó, giao dịch dân sự khi vi phạm những điều trên thì được xem là vô hiệu. Bạn thực hiện việc mua bán xe do người bán lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tư nhân với giấy tờ giả mà có là vi phạm quy định nêu trên và trong trường hợp này giao dịch được coi là vô hiệu. Trong trường hợp này bạn biết được chiếc xe do thực hiện hành vi trái pháp luật mà có được nên đã giao nộp cho cơ quan điều tra nên sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nên việc xử lý được thực hiện theo hướng giao dịch dân sự vô hiệu.

2. Hướng xử lý trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu

Hệ quả pháp lý của một giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

“2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.”

Khi một giao dịch dân sự vô hiệu, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Như vậy, theo quy định trên thì khi giao dịch dân sự vô hiệu các bên sẽ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trong trường của bạn, nếu bên bán không có động thái trả lại số tiền đã nhận của bạn thì bạn có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. Việc xác định ai có lỗi trong trường hợp này sẽ do cơ quan công quan điều tra tiến hành xác minh làm rõ.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia. Mọi thông tin, hồ sơ bổ sung kèm theo nếu có quý khách hàng vui lòng liên hệ Hotline: 1900.6169 hoặc gửi về hòm thư tư vấn của chúng tôi để được hướng dẫn.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo