Nguyễn Thu Trang

Cần điều kiện gì để được hưởng án treo ?

Tình hình an ninh trật tự xã hội luôn là vấn đề nóng bởi thường xuyên biến động, nhất là những năm gần đây, khi số lượng tội phạm gia tăng, nhận thức pháp luật và khả năng xử lý tình huống trong lúc xảy ra mâu thuẫn thường đem lại những hậu quả đáng tiếc. Do đó, nắm vững kiến thức pháp luật sẽ giúp cho bạn tránh khỏi những rủi ro pháp lý đáng tiếc.

1. Luật sư tư vấn Luật Hình sự về Án treo

Thời gian qua, tình trạng mâu thuẫn, sử dụng hung khí gây thương tích, xâm hại sức khỏe người khác xảy ra với nhiều diễn biến phức tạp, trong đó, nhiều vụ việc hành vi phạm tội giữa chính những người thân quen, để lại những hậu quả đau lòng.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, có nhiều nguyên nhân làm gia tăng tội phạm cố ý gây thương tích, xâm phạm sức khỏe người khác, tuy nhiên một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp là do công tác phòng ngừa xã hội chưa thực sự được quan tâm đúng mức, mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ người dân chưa được phát hiện kịp thời, giải quyết dứt điểm, triệt để dẫn đến các hành vi cố ý gây thương tích, giết người…

Hiểu và nắm rõ pháp luật Hình sự, là điều mà bất kỳ cá nhân nào cũng nên tìm hiểu để phòng ngừa cho bản thân khỏi những rủi ro pháp lý đáng tiếc. Vì vậy, nếu bạn còn chưa nắm rõ hoặc gặp khó khăn, vướng mắc với những tội phạm hình sự, cụ thể là hành vi Cố ý gây thương tích hay điều kiện hưởng án treo, bạn hãy liên hệ hệ Luật Minh Gia để được chúng tôi cung cấp những căn cứ pháp luật, giải đáp vướng mắc cho bạn.

>> Hỏi tư vấn quy định về án treo, gọi: 1900.6169

2. Tư vấn về điều kiện để hưởng án treo

Câu hỏi tư vấn:

Em năm nay 23 tuổi, thường trú tại B, hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố B, em đã phạm tội cố ý gây tích khi còn ở BR, và tỷ lệ thương tật của bị hại là khoảng 14%, lý do khi gây án là khi đã uống rượu say cùng bị hại, bị hại lẻn vào nhà của 1 người gần đó để thực hiện hành vi hiếp dâm nhưng người đó phát hiện và tri hô, bị hại đòi về và em trai của con đã ngăn cản vì sợ bị hại lái xe nguy hiểm cho nên bị hại đã đánh em trai của em gãy luôn ngón tay cái trong khi em trai của em bị khuyết tật câm điếc và đang hưởng trợ cấp 270 ngàn của địa phương. Em thấy em trai bị đánh và rượu còn trong người nên đã cầm dao chém vào chân của bị hại làm gãy xương bánh chèo, ngay khi gây án thì gia đình của em anh em và cha mẹ cũng đã đưa bị hại đi cấp cứu ở B trong đêm, thanh toán tiền viện phí và thay nhau trong nom bị hại, bồi thường tất cả tiền bạc khi ở viện đến khi ra viện, sau khi về nhà cũng đã trợ cấp tiền hàng tháng và tiền đi tái khám cho bị hại, bị hại đồng ý viết đơn bãi nại cho em với điều kiện phải chu cấp cho 2 con bị hại đến 18 tuổi và trợ cấp hàng tháng tiếp tục cho bị hại là 3 triệu và 50 ký gạo 1 tháng trong khi lúc đó bị hại đã hồi phục và có khả năng đi làm.

Em thấy vô lý nên không chấp nhận, bị hại lại gây áp lực là sẽ kiện ra tòa nếu không đáp ứng, gia đình em không chịu, sau đó bị hại lại năn nỉ là thôi chỉ cần bồi thường 40 triệu, gia đình em đã chấp nhận thì bị hại lại đổi ý là 80 triệu, nếu không thì ra tòa. Gia đình em có nhân thân tốt, ở địa phương em chưa phạm tội gì, luôn chấp hành đúng, gia đình có người thân là liệt sĩ. Em sau khi gây án cũng đã thành khẩn nhận tội với cơ quan điều tra, khi ra tòa tòa tuyên mức án là tù 6 tháng đến 2 năm, em kháng án. Em xin hỏi là với những tình tiết nêu trên có được xem là tình tiết giảm nhẹ không? Và khi kháng án thì liệu em có được hưởng án treo hay không?

Nội dung tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Đối với trường hợp này, chúng tôi tư vấn như sau:

Các tình tiết giảm nhẹ được pháp luật quy định tại điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017:

“Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;

e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;

...”

Đối với trường hợp của anh, anh có các tình tiết giảm nhẹ như sau:

- Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả.

- Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít ngiêm trọng.

- Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.

- Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.

Về điều kiện để được hưởng án treo được quy định tại Điều 65 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:

“Điều 65. Án treo

1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

2. Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.

3. Tòa án có thể quyết định áp dụng đối với người được hưởng án treo hình phạt bổ sung nếu trong điều luật áp dụng có quy định hình phạt này.

4. Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.

5. Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.”

Và điều này được hướng dẫn bởi Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP như sau:

“Điều 2. Điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo

Người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị xử phạt tù không quá 03 năm.

2. Có nhân thân tốt.

Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.

Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 06 tháng, nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.

3. Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

4. Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.

Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo.

Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

5. Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.”

Như vậy, để biết anh có được hưởng án treo không cần đáp ứng điều kiện về số năm phạt tù và số lượng tình tiết giảm nhẹ. Nếu bạn không đồng ý với bản án, quyết định của tòa án thì anh có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật. Thời hạn kháng cáo thực hiện theo quy định tại Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:

“Điều 333. Thời hạn kháng cáo

1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

2. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định...”

Nếu bạn còn vướng mắc về nội dung trên, hãy liên hệ tới Tổng đài Luật sư tư vấn trực tuyến của chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Tư vấn nhanh