Phạm Diệu

Căn cứ xác định tài sản riêng và quyền nuôi con sau khi ly hôn?

Luật sư tư vấn về vấn đề xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng và quyền nuôi con sau khi ly hôn. Nội dung tư vấn như sau:

Thân chào quý Công ty! Tôi được biết thông tin của công ty qua trang Web và biết rằng qúy công ty rất có chuyên môn trong lĩnh vực hôn nhân. Mong công ty có thể giúp tôi vụ việc sau: Bác trai tôi có tài sản riêng là 1 mảnh đất đứng tên bác. Đây là tài sản bác có được trước thời kì hôn nhân. Sau khi lấy vợ, bác đã bán mảnh đất đó và lấy số tiền bán được để mua 1 mảnh đất khác có giá trị thấp hơn và còn dư 1 khoản tiền thừa, 1 phần bác trích dùng để trả nợ cho vợ mới kết hơn và vẫn còn thừa lại 1 khoản tiền nhỏ trong số đó. Mảnh đất mới mua được từ khoản tiền ông bán mảnh đất trước đó đứng tên chủ sở hữu là bác, tuy nhiên lại hình thành trong thời kì hôn nhân. Vợ bác nhất quyết đòi chia đôi tài sản này và có trình bày để mua đc mảnh đất đó có công sức của cả vợ nữa nhưng khi chứng minh lại không nhất quán số tiền đã góp để mua được mảnh đất đó. Bác tôi và vợ đã kết hơn đc hơn 3 năm, có con chung và nay 2 ông bà xin ly hôn. Vợ bác trước đó đã dọn ra ở riêng, con chung thì bác nuôi. Nay vợ bác đòi giành quyền nuôi con nhưng buộc bác phụ cấp 2 triệu/tháng, bác tôi không chịu và có yêu cầu lại là bác sẽ nuôi con và chỉ yêu cầu vợ phụ cấp 1triệu/tháng thôi. Bác tôi nên phải làm sao để giành lại tài sản là mảnh đất mới mua bằng tiền riêng của Bác và giải quyết sao về chăm sóc con chung. Mong quý công ty tư vấn giúp. Xin cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung yêu cầu tư vấn của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, xác định tài sản riêng và chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân

 

Tại Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:

 

Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

 

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

 

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

 

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

 

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

 

Căn cứ thông tin bạn cung cấp thì bác của bạn có tài sản riêng là một mảnh đất, mảnh đất này có trước thời kỳ hôn nhân. Tuy nhiên, sau khi kết hôn thì bác bán mảnh đất này và lấy số tiền bán được để mua một mảnh đất khác có giá trị thấp hơn. Mảnh đất được mua trong thời kỳ hôn nhân nhưng được mua bằng tài sản riêng của người chồng, do đó mảnh đất này vẫn được xác định là tài sản riêng của chồng.

 

Trường hợp, khi vợ chồng ly hôn thì người chồng phải đưa ra căn cứ chứng minh được mảnh đất mua sau là tài sản riêng của chồng, có thể thông qua các giấy tờ mua bán đất, người làm chứng hoặc văn bản thỏa thuận giữa vợ chồng…Trường hợp, người chồng không đưa ra căn cứ chứng minh mảnh đất mua sau là tài sản riêng thì tài sản đó được coi là tài sản chung của vợ chồng.

 

Ngoài tài sản là mảnh đất trên, thì khi ly hôn vợ chồng có quyền thỏa thuận để phân chia các tài sản chung khác. Trường hợp, vợ chồng không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Về nguyên tắc phân chia tài sản vợ chồng khi ly hôn thì tài sản chung được chia đôi, tuy nhiên Tòa án cũng xem xét đến các yếu tố như: công sức đóng góp, công sức tạo lập, duy trì và phát triển tài sản, lỗi của mỗi bên dẫn đến vấn đề ly hôn…

 

Thứ hai, về quyền nuôi con sau khi ly hôn

 

Tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

 

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

 

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

 

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn   cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

 

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”.

 

Theo quy định trên, khi ly hôn vợ chồng có thể thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con. Trường hợp không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án xem xét ra quyết định. Tòa án sẽ xem xét ai là người trực tiếp nuôi con dựa vào việc xem xét quyền lợi về mọi mặt của con, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi. Ngoài ra, nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

 

Trường hợp bác của bạn muốn nuôi con thì bác bạn phải chứng minh được mình đủ điều kiện để nuôi con, điều kiện ở đây bao gồm: điều kiện nhân thân (nhân thân tốt, không có các hành vi vi phạm pháp luật…) và điều kiện về tài chính (công việc, thu nhập…), đồng thời phải chứng minh người vợ không đủ điều kiện để nuôi con. Bên cạnh đó, Tòa án sẽ xem xét căn cứ vào các yếu tố như: độ tuổi, ý kiến của con…để đưa ra quyết định.

 

Bên cạnh đó, Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng và quyền thăm nuôi con như sau:

 

Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

 

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

 

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

 

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

 

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

 

Như vậy, theo quy định trên thì người không trược tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng các bên có thể thỏa thuận với nhau. Trường hợp, các bên không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án xem xét và quyết định mức cấp dưỡng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo