LS Hồng Nhung

Căn cứ ly hôn là chồng ngoại tình có được Tòa án chấp nhận không?

Chồng ngoại tình, vợ muốn ly hôn có được không? Có thể lấy lý do là chồng ngoại tình để làm căn cứ yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn không? Khi giải quyết ly hôn người vợ muốn dành quyền nuôi con thì phải làm như thế nào? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

1. Căn cứ ly hôn do vợ hoặc chồng ngoại tình có được Tòa án chấp nhận không?

Nội dung câu hỏi: Em chào anh chị. Em có một vài thắc mắc rất mong anh chị giải đáp gíup em với ạ: Chị gái em đã kết hôn được 10 năm, có sinh đuợc hai cháu, cháu lớn tháng 9 năm nay lên lớp ba, còn cháu bé năm nay học lớp mẫu giáo 5 tuổi. Thời gian gần đây gia đình hay xảy ra mâu thuẫn, và anh chồng thường xuyên đi vắng, cứ ngày nghỉ là lại đi có hôm đi vài ngày mới về, lấy di do là đi công việc. Vừa rồi chị có vô tình đọc được tin nhắn anh nhắn cho cô bồ và đã xác nhận việc anh ngoại tình là có thật.

Vậy việc chị gái em đơn phương ly hôn có được tòa giải quyết không?

Việc quyền nuôi dưỡng hai đứa nhỏ chị em có được quyền nuôi cả hai không ạ?

Thời gian hoàn thành thủ tục ly hôn là bao lâu?

>> Luật sư tư vấn quy định về giải quyết ly hôn, liên hệ: 1900.6169

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Trong đời sống hôn nhân, nếu mâu thuẫn kéo dài, các bên không thể tìm được tiếng nói chung thì một trong hai bên vợ chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại Khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

“Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.”

Và Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình quy định:

“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”

Như vậy, chị gái bạn có quyền đơn phương ly hôn nếu đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được hoặc chứng minh việc chồng vi phạm nghĩa vụ vợ, chồng (vd: hành vi chung sống như vợ, chồng với người khác...).  Đối với thủ tục đơn phương ly hôn, chị gái bạn cần phải chuẩn bị hồ sơ, thủ tục như sau:

- Đơn đơn phương ly hôn (đơn khởi kiện) theo mẫu của Tòa án;

- Bản chính giấy đăng ký kết hôn;

- Bản sao giấy khai sinh của con;

- Bản sao chứng thực sổ hộ khẩu của cả hai vợ chồng;

- Bản sao chứng thực chứng minh thư nhân dân của cả hai vợ chồng;

- Bản sao chứng thực các giấy tờ khác chứng minh tài sản chung vợ chồng như đăng ký xe, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Hồ sơ đơn phương ly hôn được gửi đến Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi bị đơn cư trú. Và trong đơn yêu cầu giải quyết ly hôn của mình, chị gái bạn có thể nêu và đưa ra các bằng chứng chứng minh về việc chồng có hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng; đồng thời, trong đơn cũng phải thể hiện nguyện vọng của chị gái bạn là muốn dành quyền nuôi cả hai con. Khi đó, Tòa án sẽ xem xét giao con cho chị gái bạn nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, con từ đủ 7 tuổi trở lên thì Tòa án sẽ tham khảo nguyện vọng của cháu theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Tuy nhiên, pháp luật quy định là căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con nhưng hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể quyền lợi này dựa trên những tiêu chí nào. Do đó, thực tiễn xét xử hiện nay, các Tòa án vẫn thường dựa trên các tiêu chí sau đây:

- Thứ nhất, điều kiện về mặt vật chất như có thu nhập ổn định, có chỗ ở hợp pháp...

- Thứ hai, điều kiện về tinh thần như: thời gian chăm sóc, giáo dục con, điều kiện để con vui chơi, giải trí, trình độ học vấn... của người trực tiếp nuôi con.

Như vậy, để có thể dành được quyền nuôi con, chị gái bạn cần phải chứng minh được mình có đầy đủ các điều kiện tốt về mặt vật chất lẫn tinh thần để bảo đảm trẻ em có môi trường phát triển tốt nhất và đối với cháu 8 tuổi cũng có nguyện vọng sống chung với chị bạn. Mặt khác, chị gái bạn cũng phải đưa ra các căn cứ về việc cha không có đủ điều kiện trực tiếp chăm nom, giáo dục con cái; lối sống của người cha không lành mạnh, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Và theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì thời gian giải quyết vụ án dân sự khoảng 4 tháng theo thủ tục xét xử sơ thẩm:

“Điều 203. Thời hạn chuẩn bị xét xử

1. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định như sau:

a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;”

Nếu vụ án của bạn có kháng cáo hoặc kháng nghị thì có thể giải quyết theo thủ tục phúc thẩm và thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm theo Khoản 1 Điều 286 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:

“Điều 286. Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm

1. Trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án, tùy từng trường hợp, Tòa án cấp phúc thẩm ra một trong các quyết định sau đây:

a) Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;

b) Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án;

c) Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không được quá 01 tháng.”

Vậy, theo hai quy định nêu trên, thời hạn giải quyết vụ án của bạn sẽ khoảng từ 4 đến 6 tháng bao gồm cả thủ tục xét xử sơ thẩm và thủ tục xét xử phúc thẩm.

>> Tư vấn thắc mắc về căn cứ giải quyết ly hôn, gọi: 1900.6169

2. Căn cứ Tòa án cho vợ chồng ly hôn và quyền nuôi con quy định thế nào?

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Em với vợ mới kết hôn được 1 năm rưỡi. Khi cưới về e có nợ nần. Vợ em vẫn chấp nhận chịu đựng tới giờ. Gần năm nay em làm ăn lỗ. Có con rùi vợ chồng em cãi nhau nhiều hơn. Rùi vợ em xích mích với bên nhà chồng. Em không biết bênh ai nên lặng im. Một lần cãi nhau em không kiềm chế được nên tát vợ một cái.

Qua 2 ngày vợ em gửi em đơn ly dị. Tới giờ vợ chồng em chưa làm hòa được . Vì vợ em lấy ly do không hợp với ba mẹ. Không biết về lại rồi có chấp nhận con dâu không. Rồi em nợ nần làm sao lo được cho gia đình. Lo sợ về không hợp lại bị em đánh. Em có nên níu kéo lại không. Trong khi đó vợ chồng em mới có con 8 tháng. Em năn nỉ , xin lỗi rồi mà vợ ko chấp nhận. 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi đã tư vấn một số trường hợp tương tự thông qua một hoặc một số bài viết cụ thể sau đây:

>> Căn cứ Tòa án quyết định cho vợ chồng ly hôn

Hiện nay con của anh chị còn nhỏ do đó nếu mâu thuẫn không quá căng thẳng và trầm trọng thì anh nên thực hiện việc hòa giải, nhờ gia đình người thân của hai bên khuyên  người vợ suy nghĩ về tình trạng hiện nay, để hòa giải giải quyết mâu thuẫn giữa hai bên. Nếu anh nhận thấy mâu thuẫn đã trầm trọng, kéo dài, xảy ra thường xuyên và không thể hòa giải được thì có thể yêu cầu giải quyết ly hôn đơn phương. Tuy nhiên, anh chỉ có quyền yêu cầu đơn phương ly hôn khi con đủ 12 tháng trở lên.

Bạn tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình!

---

3. Quyền đơn phương ly hôn và chăm sóc, nuôi dưỡng con sau ly hôn?

Câu hỏi: Xin chào luật sư, hiện tôi đang gặp khó khăn rất mong được sự tư vấn  từ luật sư. Vào năm 2004 tôi kết hôn, cuộc hôn nhân do gia sắp đặt nên không có hạnh phúc, vợ chồng thường nảy sinh mâu thuẫn. Thời gian chung sống chúng tôi có một đứa con chung sinh năm 2004, hiện nay cháu đã 13 tuổi, cháu sống với tôi từ nhỏ, cuộc sống ổn định, cháu đang học lớp 8. Đến năm 2009 thì chồng bỏ nhà đi và từ đó đến nay không hề trở về thăm vợ con, không chu cấp gì cho vợ, con. Sau khi  bỏ đi, tôi và con trở về sống với cha mẹ đẻ của tôi đến nay. Gia đình chồng tôi thì chuyển đi sống ở  tỉnh KB.

Tôi được biết sau một thời gian bỏ đi thìchồng tôi đã về sống với cha mẹ ruột  và đã cưới vợ khác nhưng tôi không biết chính xác họ cưới nhau khi nào. Vào năm 2012, cha mẹ chồng tôi có về  gặp cha mẹ ruột của tôi và mẹ chồng tôi có làm một tờ cam kết với cha ruột của tôi với nội dung: thống nhất cho dâu (tôi) và con rễ được quyền tự do xây dựng  hạnh phúc mới. Trong tờ cam kết đó có cả chữ ký của chồng tôi, không có chữ ký của tôi. Tờ cam kết đó chỉ viết tay, có hai người làm chứng và không có công chứng của chính quyền địa phương. Mỗi bên xui gia giữ một bản.  Quá trình chung sống giữa tôi và chồng không có tài sản chung và cũng không có nợ chung. 

Nay tôi muốn giải giải quyết rõ ràng quan hệ hôn nhân với chồng, Cụ thể là muốn ly hôn và nuôi con. Xin luật sư cho biết tôi phải làm sao, nghĩa vụ pháp lý của tôi và anh B phải thực hiện như thế nào. Tôi có được quyền nuôi con hay không? Trường hợp phía anh B và gia đình anh Nguyễn B muốn làm khó, không hợp tác giải quyết thì tôi phải làm sao? Rất mong sự giúp đỡ của luật sư, tôi thành thật cám ơn.

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp bạn hỏi chúng tôi đã tư vấn tình huống tương tự sau đây:

>> Thủ tục ly hôn đơn phương và quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn.?

Theo đó, trong trường hợp này anh chị có thể làm đơn khởi kiện ly hôn đơn phương gửi Tòa án nhân dân nơi người chồng đang cư trú để giải quyết. Về quyền nuôi dưỡng con thì sẽ phụ thuộc vào việc con có muốn ở cùng bạn hay không. Nếu con muốn ở cùng thì quyền trực tiếp nuôi dưỡng sẽ trao cho anh chị.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo