Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Căn cứ để giành quyền nuôi cả hai con khi ly hôn

Câu hỏi: Tôi và chồng tôi kết hôn và có hai cháu một cháu gần 6 tuổi, một cháu gần 2 tuổi, chúng tôi sống với ông bà ngoại. Tuy nhiên mâu thuẫn vợ chồng căng thẳng không thể tiếp tục được nên tôi đã nộp đơn xin li hôn mà không cần chữ kí của chồng. Tôi có nguyện vọng được nuôi hai con. Tuy nhiên cháu lớn lại rất quý bố, nếu hỏi cháu thích sống với ai thì cháu sẽ chọn bố. Hiện tại chồng tôi đưa đứa nhỏ về ở với ông bà nội.

Chồng tôi thường rất ham chơi, rượu chè, bi a, cờ bạc suốt ngày. Chúng tôi là giáo viên cùng một trường thu nhập anh cao hơn tôi. Nhưng tôi được nhà ngoại rất có điều kiện hổ trợ về kinh tế. Còn nhà nội hai ông bà đã già không có thu nhập lại ở xa trường vợ chồng tôi dạy. Tôi nhờ các luật sư tư vấn cho tôi quy định pháp lý để tôi được quyền nuôi hai con, liệu khi ra tòa chỉ nói suông về việc anh ham chơi cờ bạc có được không, anh ấy là một người rất trái tính.Tôi còn biết mỗi lần anh đưa đứa lớn vào nội anh đều bỏ cháu cho ông bà rồi đi qua đêm. Thực sự bây giờ tôi rất phân vân, nếu tiếp tục sống với nhau thì không thể, nếu ra ở riêng thì mình tôi lo hai con và việc nhà kèm theo tính khí anh ấy chắc tôi cũng không sống nổi. Rất mong luật sư giúp tôi trong thời gian sớm nhất.Tôi xin cảm ơn.

Trả lời tư vấn. Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Về căn cứ cho ly hôn:

Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định trường hợp một bên yêu cầu việc ly hôn, nếu thấy có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài được thì Tòa án sẽ quyết định cho ly hôn.

Theo như bạn trình bày thì nguyên nhân dẫn đến việc chấm dứt hôn nhân là do người chồng ham chơi, rượu chè, bi a, cờ bạc, mâu thuẫn giữa vợ chồng căng thẳng không thể giải quyết được. Khi yêu cầu Tòa án giải quyết, bạn phải cung cấp được chứng cứ chứng minh những hành vi trên của chồng bạn, trừ trường hợp người chồng tự nguyện thừa nhận. Việc cung cấp chứng cứ chứng minh có thể thông qua lời làm chứng của nhân chứng.

Về quyết định người trực tiếp nuôi con:

Theo quy định tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì đối với con dưới 36 tháng tuổi sẽ do người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con khi quyết định người trực tiếp nuôi con, trừ trường hợp các bên tự thỏa thuận được với nhau:

Theo đó, đối với con dưới 2 tuổi Tòa án sẽ giao cho bạn trực tiếp nuôi con. Đối với con dưới 6 tuổi, mặc dù cháu bé quý bố và muốn ở với bố nhưng do cháu chưa đủ 7 tuổi, do vậy, nếu Tòa nhận thấy điều kiện của bạn đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu về mọi mặt cho các con và chứng minh được người chồng có những hành vi sai trái, không làm đầy đủ nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con cái thì bạn hoàn toàn có quyền nuôi dưỡng cả hai con.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Căn cứ để giành quyền nuôi cả hai con khi ly hôn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo