Cán bộ hải quan có hành vi nhận tiền hối lộ có bị coi là đồng phạm không?
1. Luật sư tư vấn về đồng phạm.
Có thể thấy, đặc điểm đầu tiên của đồng phạm chính là việc thực hiện hành vi phạm tội của từ hai người trở lên. Điều đó thể hiện ở sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa những người phạm tội và có những hành động củng cố quyết tâm phạm tội thông qua những lời xúi giục hoặc hứa hẹn. Điều đó giúp chúng ta nhận ra sự nguy hiểm của loại tội phạm được thực hiện dưới hình thức đồng phạm, đặc biệt là phạm tội có tổ chức. Nếu bạn đang gặp khó khăn về vấn đề này hoặc bất kì vấn đề nào củapháp luật, đừng ngần ngại liên lạc với chúng tôi qua hotline 1900.6169 để được hỗ trợ các vấn đề pháp lý như:
- Giải đáp thắc mắc về người xúi giục, người giúp sức, người thực hành, người tổ chức trong đồng phạm
- Tư vấn về trách nhiệm pháp lý của người đồng phạm đối với hành vi vượt quá của người thực hành
- Giải đáp về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017.
- Tư vấn trình tự, thủ tục trình báo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi phạm tội.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, Luật Minh Gia xin gửi đến bạn tình huống cụ thể dưới đây để bạn có thể tham khảo và đưa ra hướng giải quyết phù hợp nhất.
2. Trường hợp cán bộ hải quan có hành vi nhận tiền hối lộ có bị coi là đồng phạm không?
Câu hỏi: A là cán bộ hải quan làm việc tại cửa khẩu. Kiểm tra lô hàng nhập khẩu của ông B, A phát hiện số lượng hàng vượt quá rất nhiều so với hóa đơn (số hàng vượt quá trị giá 800 triệu đồng). Ông B liền gọi A ra chỗ vắng, đưa cho A chiếc phong bì bên trong có 300 triệu đồng và đề nghị A bỏ qua cho số hàng vượt quá của mình. A nhận tiền và đồng ý cho B mang hàng qua cửa khẩu. Hành vi của B sau đó bị xét xử về tội buôn lậu theo khoản 3 Điều 188 và tội đưa hối lộ theo khoản 2 Điều 364 BLHS. Câu hỏi:
1. Trên cơ sở phân loại tội phạm theo khoản 1 Điều 9 BLHS hãy phân loại tội phạm đối với tội buôn lậu và tội đưa hối lộ mà B đã thực hiện trong tình huống nêu trên?
2. A có đồng phạm với B tội buôn lậu không? Tại sao?
3. Nếu B vừa chấp hành bản án 5 năm tù về tội buôn bán hàng cấm và chưa được xóa án tích, nay lại phạm hai tội như tình huống nêu trên thì trường hợp phạm tội của B bị coi là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm?
4. Giả định, trong lô hàng B còn giấu 2kg thuốc phiện nên B bị xét xử thêm tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251 BLHS) thì A có bị coi là đồng phạm với B về tội mua bán trái phép chất ma túy không? Tại sao?
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
1. Trên cơ sở phân loại tội phạm theo khoản 1 Điều 9 BLHS hãy phân loại tội phạm đối với tội buôn lậu và tội đưa hối lộ mà B đã thực hiện trong tình huống nêu trên?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự quy định như sau:
“Điều 9. Phân loại tội phạm
1. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:
a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;
c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”
Theo thông tin bạn cho biết, hành vi của B đã cấu thành tội buôn lậu và tội đưa hối lộ theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015. Cụ thể như sau:
- Đối với tội buôn lậu: Thuộc trường hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 188 Bộ luật hình sự 2015:
“Điều 188. Tội buôn lậu
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.”
- Đối với tội đưa hối lộ: Thuộc trường hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 364 Bộ luật hình sự 2015:
“Điều 364. Tội đưa hối lộ
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
…”.
Như vậy, căn cứ vào thông tin bạn cung cấp và đối chiếu với quy định nêu trên, trong trường hợp này hành vi phạm tội của B có thể xác định như sau: tội buôn lậu B là tội phạm rất nghiêm trọng và tội đưa hối lộ là tội phạm nghiêm trọng.
2. A có đồng phạm với B tội buôn lậu không? Tại sao?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Bộ luật hình sự 2015 thì: Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
Theo đó, hành vi phạm tội của mỗi người là cố ý và có sự liên quan, phối hợp chặt chẽ với nhau mà không hề tách rời nhau. Nếu có nhiều người phạm tội nhưng không cố ý cùng thực hiện một tội phạm thì không gọi là đồng phạm.
Với trường hợp của bạn, A và B không cùng có ý chí và mong muốn cùng thực hiện hành vi buôn lậu mà hành vi của A chính là lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để nhận một khoản lợi ích vật chất từ B để thực hiện công việc theo yêu cầu của B. Do đó, trong trường hợp này, A không được xác định là đồng phạm với B.
Tuy nhiên, hành vi của A đã cấu thành tội nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự 2015.
3. Nếu B vừa chấp hành bản án 5 năm tù về tội buôn bán hàng cấm và chưa được xóa án tích, nay lại phạm hai tội như tình huống nêu trên thì trường hợp phạm tội của B bị coi là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm?
Căn cứ tại Điều 53 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tái phạm, tái phạm nguy hiểm như sau:
“Điều 53. Tái phạm, tái phạm nguy hiểm
1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.”.
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì B thuộc trường hợp tái phạm.
4. Giả định, trong lô hàng B còn giấu 2kg thuốc phiện nên B bị xét xử thêm tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251 BLHS) thì A có bị coi là đồng phạm với B về tội mua bán trái phép chất ma túy không? Tại sao?
Như đã phân tích ở ý 2 thì đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
Trong trường hợp này, trách nhiệm của A (cán bộ hải quan) là kiểm tra hàng hóa. Do A không thực hiện đúng trách nhiệm của mình nên đã tạo điều kiện cho B thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, đây không phải là hành vi cố ý của A.
Do đó, trong trường hợp này, A không được xác định là đồng phạm với B về tội mua bán trái phép chất ma túy.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất