Nguyễn Thị Thùy Dương

Cách lấy lại tiền khi chuyển khoản nhầm thế nào?

Hiện trạng chuyển khoản nhầm hiện này vô cùng phổ biến, nguyên nhân chủ yếu là lỗi cẩu thả của những người chuyển tiền. Việc chuyển tiền thường rất nhanh nhưng muốn đòi lại tiền chuyển nhầm thì lại không dễ dàng chút nào, tốn tương đối thời gian. Để tránh việc mất nhiều thời gian để đòi lại tiền, bạn có thể tham khảo cách lấy lại tiền khi chuyển khoản nhầm của Luật Minh Gia qua bài viết dưới đây.

1. Khi đi làm thẻ ngân hàng cần những gì?

- Căn cước công dân: Họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, số CCCD (hoặc giấy tờ chứng minh nhân thân khác như hộ chiếu,..)

- Đơn yêu cầu mở tài khoản – Ngân hàng cung cấp khi làm thẻ

- Phí phát hành thẻ (hiện nay đa phần các ngân hàng đã miễn phí)

- Ảnh thẻ 3x4 – Hiện nay thì phần lớn đã sử dụng app của ngân hàng quét mặt để xác minh mà không cần mang thẻ 3x4 đi.

- Số điện thoại đăng ký tài khoản

Như vậy, khi đi làm thẻ ngân hàng hiện nay thì bạn chỉ cần mang theo CCCD và điện thoại mà thôi.

Có thể nói CCCD là một thứ không thể thiếu khi đi làm thẻ ngân hàng. Vì ngân hàng yêu cầu như vậy vì những thông tin này được chính Nhà nước cung cấp và quản lý mới đủ để đảm bảo việc tuân theo các quy định của pháp luật về chống rửa tiền, thuế thu nhập và các quy định của pháp luật khác. Và có thể liên hệ ngay với phía khách hàng khi cần thiết qua số điện thoại.

Và thực tế hơn trong trường hợp của bài viết này, việc cung cấp thông tin về CCCD bắt buộc với người mở thẻ sẽ giúp ngân hàng quản lý và liên hệ các đối tượng này dễ dàng hơn để có thể liên hệ với người đó khi người đó nhận chuyển khoản nhầm mà có yêu cầu từ phía người chuyển khoản nhầm. Như trong trường hợp chuyển khoản nhầm này, những thông tin trong CCCD mới có đủ cơ sở để giúp người chuyển khoản nhầm nhờ phía Tòa án, cơ quan công an điều tra, liên hệ với phía người nhận chuyển khoản nhầm mà không chịu trả kia để giải quyết vụ việc.

2. Chuyển khoản nhầm thì phải làm sao?

Cùng với sự phát triển của công nghệ thì ngành ngân hàng cũng phải bắt buộc thích ứng theo khi cho phép khách hàng quản lý và sử dụng tài khoản của mình thông qua ứng dụng của ngân hàng trên điện thoại.

Qua đó, bạn có thể chuyển tiền và nhận tiền mà không cần phải tới các chi nhánh của ngân hàng. Vào thời gian đầu thì thời gian để nhận và chuyển tiền thường không nhanh, nhưng đến thời điểm hiện tại thì chưa đến 1 phút là các bạn đã có thể thực hiện giao dịch thành công.

Tiện ích là thế nhưng vẫn có những bất lợi khi người sử dụng có những nhầm lẫn khi thực hiện giao dịch. Mặc dù các ngân hàng có hạn chế giá trị giao dịch nhưng trong mức được giao dịch thì số tiền vẫn là không hề nhỏ. Do đó có nhiều những trường hợp người sử dụng chuyển khoản nhầm cho đối tượng khác. Với nhiều những trường hợp thì mọi người thấy số tiền nhỏ không đáng bao nhiêu thì họ không có đòi lại, nhưng nhiều trường hợp người sử dụng muốn đòi lại thì phải làm sao? Nếu bạn chuyển khoản nhầm thì có thể đòi lại tiền theo cách sau:

- Liên hệ ngay với phía ngân hàng để xác minh về giao dịch nhầm lẫn này:

Bên ngân hàng sẽ thực hiện rà soát, kiểm tra lại thông tin về giao dịch của bạn để xác định xem có giao dịch thực hay không và thông tin giao dịch có chính xác với thông tin bạn cung cấp không. Sau đó ngân hàng sẽ liên hệ với đại diện chi nhánh ngân hàng quản lý của tài khoản ngân hàng nhận chuyển nhầm kia để xác định thông tin và gửi yêu cầu họ chuyển hoàn lại cho bạn.

Thông thường thì ngân hàng sẽ liên hệ với khách hàng qua số điện thoại đăng ký tài khoản để làm việc.

- Làm đơn khởi kiện đến Tòa án hoặc gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an:

Sau khi phía ngân hàng đã liên hệ với người nhận chuyển nhầm kia mà họ không chịu trả lại tiền và rút hết tiền khỏi ngân hàng thì bạn phải yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin của người này để làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân để đòi lại số tiền của mình hoặc gửi đơn tố giác đến cơ quan công an để họ tiến hành điều tra và giải quyết cho mình.

Nhờ những thông tin trong thẻ CCCD mà khách hàng cung cấp khi mở tài khoản ngân hàng mới có thể biết được nơi thường trú của người này để có thể thực hiện khởi kiện hoặc tố cáo với cơ quan công an đúng thẩm quyền. Vì khi khởi kiện, tố cáo không đúng thẩm quyền thì sự việc của mình sẽ không được xử lý.

3. Người nhận chuyển khoản nhầm mà không chịu trả có vi phạm pháp luật?

- Theo quy định về dân sự:

Khoản 2 Điều 165 Bộ Luật dân sự 2015 quy định việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.

Qua đó, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 166 Bộ Luật dân sự 2015.

Có thể thấy, hành vi chiếm giữ tài sản không có căn cứ pháp luật là việc chiếm giữ bất hợp pháp. Như vậy, đối với trường hợp người nhận chuyển khoản nhầm không chịu trả lại tiền cho người chuyển khoản nhầm là hành vi chiếm giữ tài sản trái phép. Qua đó người chuyển khoản nhầm hoàn toàn có căn cứ để khởi kiện đòi tiền từ phía người nhận chuyển khoản nhầm kia.

- Theo quy định về hình sự:

Điều 176 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội chiếm giữ trái phép tài sản như sau:

Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản

1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

Những người phạm tội này là những người có lỗi cố ý trực tiếp, họ biết tài sản đang có không phải tài sản của mình và biết mình có nghĩa vụ phải trả lại cho chủ tài sản hoặc giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm nhưng lại không chịu thực hiện nghĩa vụ đó mà lại có ý muốn biến tài sản đó thành tài sản của mình.

Do đó, với những đối tượng nhận chuyển khoản nhầm mà không chịu trả và có giá trị tài sản theo quy định trên thì có đủ dấu hiệu để cấu thành tội trên. Nên người chuyển khoản nhầm hoàn toàn có thể tố cáo tội phạm với cơ quan công an có thẩm quyền xử lý đối tượng đó.

- Theo quy định về xử lý hành chính:

Căn cứ theo quy định tại điểm đ Khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Khi mà đối tượng có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản nhưng giá trị tài sản chưa đủ để khởi tố hình sự thì bị xử phạt hành chính với mức phạt theo quy định trên.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn