Trần Phương Hà

Cách đòi lại tiền chạy việc

Kính gửi công ty luật Minh Gia! Nhờ luật sư giải đáp giúp tôi cách đòi lại tiền chạy việc như sau: Tôi và cô em họ có nhờ một người xin việc cho cháu ruột tôi đi dạy học. Người ta yêu cầu nộp hồ sơ và tiền 240 triệu để chuẩn chi cho kỳ thi công chức tháng 8/2014. Theo lịch nộp hồ sơ của toàn thành phố HN thì ngày 02/7/2014 là hết hạn. Nhưng người này đến 05/7/2014 mới yêu cầu nộp hồ sơ (đã hết hạn thời gian nộp) và tiền.

Tôi không có quan hệ gì với người này mà thông qua cô em họ của tôi. Đến ngày 05/7/20xx tôi và cô em họ do tin tưởng nên đã mang hồ sơ của cháu ruột tôi và 240 triệu như đã yêu cầu đến đưa cho người đó (có hợp đồng giấy giao tiền). Khi xem thông tin trên mạng danh sách thi sinh dự thi viên chức vào trường mà người đó nói, cháu tôi không thấy tên để được dự thi, do người này không nộp hồ sơ dự thi cho cháu tôi. Khi sự việc vỡ lở chúng tôi đến đòi tiền và hồ sơ, người này chỉ trả hồ sơ không trả tiền. Chúng tôi liên lạc và gọi nhiều lần đến nay mới trả được 75 triệu (gồm 4 lần trả), còn 165 triệu tôi liên lạc từ tháng 7/20xx đến nay chưa trả cứ khất nay khất mai. Luật sư tư vấn cho tôi :

1) Làm cách nào để đòi hết số tiền trên nhanh nhất ?

2) Hành vi của người đó có phải là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản không? quy định thế nào mong được tư vấn.

Trả lời:

Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề của anh chúng tôi tư vấn như sau:

Bộ luật Hình sự quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm...".

Theo như anh trình bày, các bên có ký hợp đồng giao tiền nên có cơ sở để khẳng định gia đình có giao cho người này khoản tiền 240 triệu VNĐ. Tuy nhiên, để xác định một người có phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không cần đảm bảo hai hành vi khách quan và bắt buộc (cần và đủ): hành vi dùng thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Gian dối là đặc trưng cơ bản của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng không phải là dấu hiệu duy nhất của tội phạm, mà ngoài thủ đoạn gian dối, người phạm tội còn phải có hành vi chiếm đoạt tài sản thì mới đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo quy định trên, người thực hiện hành vi vi phạm bị truy cứu TNHS về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu có dấu hiệu sau:

Hành vi khách quan: do đặc điểm riêng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối. Thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao gìơ cũng phải có trước khi có việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội thì mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hậu quả: Người phạm tội đã chiếm được tài sản (hoặc giữ được tài sản trong trường hợp dùng thủ đoạn gian dối trao tài sản nhưng lại không trao). Đối với những trường hợp người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn hoặc rất lớn như ôtô, xe máy, máy tính xách tay, đồng hồ đắt tiền… thì dù người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản vẫn bị coi là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng là phạm tội trong trường hợp phạm tội chưa đạt hoặc chuẩn bị phạm tội tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Đối với trường hợp này, nếu có đủ cơ sở để khẳng định người nhận tiền dùng thủ đoạn gian dối (mặc dù không có quyền hạn để thực hiện hoặc có nhưng không thực hiện được công việc,... mà đưa thông tin sai trái) làm gia đình tin tưởng và giao tiền nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền 240 triệu VNĐ thì người này sẽ bị truy cứu TNHS về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tiếp theo, đối với việc đòi lại tài sản. Trong trường hợp này, nội dung hợp đồng để chạy việc là nọi dung trái pháp luật. Vậy, khi không đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thì giao dịch sẽ bị vô hiệu. Hợp đồng vô hiệu sẽ dẫn tới hậu quả các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận, và anh sẽ rất khó có căn cứ trong việc đòi lại tài sản. 

Tuy nhiên, trường hợp cá nhân đưa hối lộ (đưa tiền để chạy việc) mà Cơ quan có thẩm quyền thu thập được đầy đủ thông tin chứng minh: mặc dù bị lừa, nhưng ý chí chủ quan của người đưa tiền là tin tưởng hoàn toàn vào việc người nhận tiền có khả năng thực hiện được công việc thỏa thuận thì cá nhân đưa tiền có thể sẽ bị truy cứu TNHS với tội đưa hối lộ theo quy định Bộ luật hình sự.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo