Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Cách chia di sản thừa kế theo di chúc và pháp luật?

Quy định về chia thừa kế khi một người qua chết đi, tài sản của người chết sẽ được phân chia như thế nào? Trường hợp nào sẽ chia di sản theo pháp luật? quy định của pháp luật về phân chia di sản thừa kế như thế nào? Luật Minh Gia tư vấn các thắc mắc trên như sau:

1. Tư vấn quy định về thừa kế theo di chúc và theo pháp luật

Thừa kế là một trong những quan hệ pháp luật dân sự cơ bản. Đây là quan hệ thường xuyên phát sinh trong đời sống xã hội, cũng chính vì vậy, Bộ luật dân sự 2015 và các văn bản liên quan có rất nhiều quy định về quan hệ pháp luật này. Tuy nhiên, không phải cá nhân, gia đình nào cũng có kiến thức đầy đủ về việc phân chia di sản thừa kế (theo di chúc hoặc theo pháp luật). Nếu bạn đang hoặc có khả năng sẽ tiến hành phân chia di sản thừa kế mà chưa nắm rõ các quy định của pháp luật về vấn đề này, hãy liên hệ với Luật Minh Gia để được tư vấn.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo nội dung tư vấn dưới đây để có thêm thông tin pháp luật và đối chiếu với trường hợp của mình.

2. Cách chia thừa kế theo pháp luật và theo di chúc

Câu hỏi:

Em có câu hỏi về cách chia và quy định chia tài sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật rất mong nhận được tư vấn từLuật Minh Gia, nội dùng câu hỏi như sau: Bố em có 1 mảnh đất, trên đó có 1 căn nhà, đây là tài sản chung giữa bố và mẹ đẻ em, hình thành trước khi mẹ em qua đời và bố em lấy vợ 2, tài sản này bố em là người đại diện đứng tên chủ sở hữu. 

Ngôi nhà hiện tại là nơi cứ trú của bố, dì ghẻ, e trai cùng cha khác mẹ; gia đình e (gồm bản thân e, vợ, 1 con trai); gia đình a trai (a trai, vợ, con gái đã mất). Xin hỏi sau khi bố e mất, tài sản sẽ được chia như thế nào theo 2 trường hợp: Có di chúc và không có di chúc hay di di chúc không hợp pháp? Bởi hiện tại, việc có di chúc hay không vẫn chưa đc rõ ràng. Chân thành cảm ơn Công ty luật Minh Gia!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo như bạn cung cấp, phần tài sản này được hình thành trong thời kỳ hôn nhân của bố mẹ bạn, thì theo đó, nó được xác định là tài sản chung của bố mẹ bạn theo căn cứ của điều 33 Luật Hôn nhân gia đình 2014. Do đó, một nửa tài sản sẽ được chia cho người mẹ ruột của anh, và một nửa còn lại là phần di sản của bố anh.

Nếu bố bạn mất phần tài sản của bố bạn sẽ được phân chia như sau:

Trường hợp 1: Nếu bố bạn có để lại di chúc

Điều 624 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Di chúc như sau:

“Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”

Điều 626 quy định về Quyền của người lập di chúc như sau:

“Người lập di chúc có quyền sau đây:

1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.”

Nếu bố bạn lập di chúc thì người có tên trong di chúc sẽ được hưởng di sản thừa kế của bố bạn. Tuy nhiên, tại thời điểm bố bạn mất, di chúc phát sinh hiệu lực có thể sẽ phát sinh người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.

Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc như sau:

“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; 

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.”

Nếu phát sinh trường hợp người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc thì khi phân chia phần tài sản của bố bạn sẽ chia cho những đối tượng này trước. Sau đó, phần còn lại mới được phân chia theo di chúc.

Trường hợp 2: Nếu không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp

Nếu bố bạn không có di chúc và di chúc không hợp pháp thì phần di sản của bố bạn sẽ được phân chia theo pháp luật theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Người thừa kế theo pháp luật:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;”

Như vậy, nếu thuộc trường hợp này thì tài sản của bố bạn sẽ chia đều cho vợ hợp pháp và tất cả các người con.

---

3. Chia thừa kế theo pháp luật như thế nào?

Câu hỏi:

Cha mẹ tôi lúc còn sống có tài sản chung là 1 thửa đất có diện tích là 1600 m2, khi cha tôi già bị bện đã chết, không để lại di chúc (đồng thời ông bà nội của tôi đã mất). đến giờ mẹ tôi đã 80 tuổi. Cha và mẹ tôi lúc sống chung trong thời kỳ hôn nhân có 07 người con, không có con riêng hoặc con nuôi.Có phải tài sản chung của vợ chồng, khi cha tôi chết thì tài sản trên được chia như thế này có đúng không:Mẹ tôi được 50% của tổng diện tích đất là: 50% x 1.600 m2 = 800 m250% diện tích đất còn lại được chi đều cho 8 phần (7 anh chị em và có cả phần của mẹ tôi), tức là mỗi phần được 100 m2 có đúng không.Theo tôi được biết là như vậy có đúng theo quy định pháp luật không.Xin chân thành cảm ơn luật sư đã tư vấn.

Trả lời: Đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

"Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

...

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

..."

Theo quy định trên thì phần di sản mà bố bạn để lại sẽ được chia đều thành 8 phần (vợ và các con). Chỉ chia trong phạm vi tài sản thuộc quyền sử dụng của bố bạn (50% khối tài sản chung của vợ chồng).

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Cách chia di sản thừa kế theo di chúc và pháp luật?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn liên hệ luật sư của chúng tôi để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo