Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Hàng giả là gì? Buôn bán hàng giả, hàng cấm bị xử lý thế nào?

Trong nền kinh tế hàng hóa ngày càng phát triển hiện nay, số lượng cá nhân, tổ chức thực hiện việc kinh doanh hàng hóa càng nhiều, sự cạnh tranh càng trở nên gay gắt. Một số thành phần vì muốn thu về lợi nhuận cao nhất mà không phải đổ nhiều vốn đầu tư, đã bất chấp các quy định pháp luật và các chuẩn mực đạo đức để sản xuất và kinh doanh hàng giả. Khi hàng hóa bị làm giả, làm nhái thì đối tượng chịu thiệt hại đầu tiên là người tiêu dùng và doanh nghiệp có hàng hóa bị làm giả, kéo theo đó là cả nền kinh tế. Do vậy, pháp luật đã có những quy định nghiêm khắc để xử lý hành vi này.

Câu hỏi tư vấn:

Xin luật sư cho biết những hàng hóa nào bị coi là hàng giả? Nếu kinh doanh hàng giả có giá trị bao nhiêu tiền thì bị truy tố hình sự? Xin cảm ơn luật sư!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

1. Khái niệm hàng giả, hàng cấm

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, khái niệm “hàng giả” được định nghĩa dưới dạng liệt kê. Cụ thể, những loại hàng hóa được coi là hàng giả bao gồm:

- Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

- Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

- Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;

Trong đó, “thuốc giả” được sản xuất không có dược chất, dược liệu; có dược chất không đúng với dược chất tiêu chuẩn; có dược chất, dược liệu nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng đã đăng ký hoặc thuốc được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ. Còn “dược liệu giả” là dược liệu không đúng loài, bộ phận hoặc nguồn gốc được cơ sở kinh doanh cố ý ghi trên nhãn hoặc ghi trong tài liệu kèm theo nhằm trục lợi hoặc dược liệu bị cố ý trộn lẫn hoặc thay thế bằng thành phần không phải là dược liệu.

- Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;

- Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

- Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả. Trong đó, “Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả” gồm đề can, nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, các loại tem chất lượng, dấu chất lượng, tem truy xuất nguồn gốc, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hóa hoặc vật phẩm khác của tổ chức, cá nhân kinh doanh có chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm, mã số mã vạch, mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố của hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác.

2. Hành vi buôn bán hàng giả bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả như sau:

“1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

…”

Như vậy, việc kinh doanh hàng giả có giá trị từ 30.000.000 đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169