Luật sư Vũ Đức Thịnh

Bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự nhân phẩm

Luật sư tư vấn miễn phí trường hợp dùng facebook tải những hình ảnh của cháu đăng lên cùng những lời nói xúc phạm nghiêm trọng và còn đăng lên cả những thông tin về gia đình cũng như công việc của cháu với những lời nói cay nghiệt xúc phạm thì xử lý thế nào?

Nội dung đề nghị tư vấn: Thưa luật sư cháu xin kể về trường hợp của cháu như sau: Cháu có quen biết một bạn nam cũng trong khoảng thời gian dài, trong thời gian đó cháu chỉ coi anh ta là bạn nhưng anh ta lại có tình cảm với cháu khi bị cháu năm lần bảy lượt từ chối thì anh ta quay sang gửi những tin nhắn đe dọa cháu là sẽ tìm cách bêu xấu và hạ nhục cháu nếu không nghe theo anh ta, khi anh ta thấy lời đe dọa của mình không có hiệu quả thì đã dùng facebook tải những hình ảnh của cháu đăng lên cùng những lời nói xúc phạm nghiêm trọng và còn đăng lên cả những thông tin về gia đình cũng như công việc của cháu với những lời nói cay nghiệt xúc phạm. Vậy cháu muốn hỏi luật sư liệu trường hợp của cháu thì cháu có thể được pháp luật bảo vệ không ạ? Và nếu được thì cháu sẽ phải làm như thế nào? Quy định thế nào ạ? Xin cảm ơn luật sư tư vấn !

 

Bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự nhân phẩm

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn nam mà bạn đã quen biết kia sau khi bị bạn từ chối tình cảm nhiều lần đã có những hành vi nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín của bạn. Với trường hợp này, người có hành vi đó sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.

Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 584 BLDS 2015 quy định Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”

Điều 592 BLDS 2015 quy định Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm như sau:

“1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

c) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Ngoài ra, tại Mục 3 Phần 2 Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự 2005 về Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có quy định về Xác định thiệt hại như sau:

“3. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm gồm có thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm; thiệt hại do danh dự, uy tín của tổ chức bị xâm phạm.

3.1. Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại bao gồm: chi phí cần thiết cho việc thu hồi ấn phẩm có nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị thiệt hại; chi phí cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm; tiền tàu, xe đi lại, thuê nhà trọ (nếu có) theo giá trung bình ở địa phương nơi thực hiện việc chi phí để yêu cầu cơ quan chức năng xác minh sự việc, cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng; chi phí tổ chức xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại và các chi phí thực tế, cần thiết khác để hạn chế, khắc phục thiệt hại (nếu có).

3.2. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

a) Nếu trước khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâmphạm có thu nhập thực tế, nhưng do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm người bị xâm phạm phải thực hiện những công việc để hạn chế, khắc phục thiệt hại, nên khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.

b) Việc xác định thu nhập thực tế của người bị xâm phạm và việc xác định thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị xâm phạm được thực hiện theo hướng dẫn tại tiểu mục 1.2 mục 1 Phần II này.

3.3. Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.

a) Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được bồi thường cho chính người bị xâm phạm.

b) Trong mọi trường hợp khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâm phạm được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Cần căn cứ vào hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I Nghị quyết này để xác định mức độ tổn thất về tinh thần của người bị xâm hại. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào hình thức xâm phạm (bằng lời nói hay đăng trên báo viết hay báo hình….), hành vi xâm phạm, mức độ lan truyền thông tin xúc phạm…

c) Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm trước hết do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.”

Theo các quy định trên, khi có yêu cầu Tòa án giải quyết về việc bồi thường thiệt hại này, Tòa sẽ xác định phần thiệt hại thực tế để yêu cầu bên kia sẽ có trách nhiệm bồi thường.

Về thẩm quyền giải quyết, tiếp nhận hồ sơ khởi kiện

Tại Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2014 quy định như sau:

“1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này…”

Theo quy định trên, bạn có thể nộp hồ sơ khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú. Hồ sơ gồm có:

+ Đơn khởi kiện (theo mẫu);

+ Các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ kiện;

+ Chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu (bản sao, chứng thực).

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169