LS Vũ Thảo

Bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như thế nào?

Tình huống đề nghị tư vấn: Thưa luật sư e có câu hỏi cần đc luật sư tư vấn. E có e gái điều khiển xe máy và có đội mũ bảo hiểm, đến ngã ba đường thì e gái e xin nhan sang đến bên trái đường. Bất ngờ có ô tô tải lao tới và tài xế đã nhanh chóng xử lý khiến xe tải quay chắn ngang đường. Phần bánh xe sau tạt vào xe e gái e, khiến e gái e bị ngã và và bị thương nặng.

 

Xe bị hư hỏng nhẹ, theo nhân chứng kể lại là e gái e có mùi rượu. Anh lái xe tải đã sơ cứu ban đầu và đưa e gái e đi cấp cứu. Kết quả của bác sỹ kết luận e gái e bị tụ máu ngoài màng cứng thùy thái dương phải, xuất huyết não dưới nhện và vỡ xương chẩm. Vậy luật sư cho e hỏi e gái e có đc bồi thường không? Và mức bồi thường tối đa là như thế nào? Nếu hai bên không tự thỏa thuận đc mức bồi thường thì khi ra pháp luật e gái e có đc bồi thường thiệt hại về sức khỏe, thiệt hại tài sản không?

 

Trả lời tư vấn:  Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi thông tin tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, với thông tin bạn cung cấp chúng tôi xin được tư vấn như sau:

            

Căn cứ Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau:

 

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

 

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

 

...”

 

Theo đó, việc em bạn có nhận được bồi thường thiệt hại hay không phụ thuộc vào việc người lái xe tải đó có hành vi vi phạm pháp luật hay không dẫn đến xâm phạm tới sức khỏe của em gái bạn. Do thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ mà việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cần phải dựa trên nhiều khía cạnh khác nhau của diễn biến thực tế lúc đó. Vì vậy, để được bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì gia đình bạn phải chứng minh được người lái xe tải có hành vi trái với quy định pháp luật. Hoặc họ sẽ chủ động tự nguyện tiến hành bồi thường thiệt hại cho em gái bạn.

 

Nếu có cơ sở rằng họ phải bồi thường thiệt hại cho em gái bạn, hoặc họ tự nguyện bồi thường thì mức bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng này được xác định theo căn cứ theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 về xác định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau:

 

“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

 

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

 

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

 

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

 

Căn cứ  mục 1 phần II Nghị quyết 03/2006 hướng dẫn một số quy định của BLDS 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng ( còn hiệu lực) quy định cụ thể:

 

“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

 

Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được bồi thường bao gồm:

 

1.1. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sĩ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sĩ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ... để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).

 

1.2. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng do sức khỏe bị xâm phạm họ phải đi điều trị và do đó khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.

 

a) Thu nhập thực tế của người bị thiệt hại được xác định như sau:

 

- Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động, thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề trước khi người đó bị xâm phạm sức khỏe nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.

 

- Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại có làm việc và hàng tháng có thu nhập thực tế nhưng mức thu nhập của các tháng khác nhau, thì lấy mức thu nhập trung bình của 6 tháng liền kề (nếu chưa đủ 6 tháng thì của tất cả các tháng) trước khi sức khỏe bị xâm phạm nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.

 

- Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng không ổn định và không thể xác định được, thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.

 

- Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại chưa làm việc và chưa có thu nhập thực tế thì không được bồi thường theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 609 BLDS.

 

b) Xác định thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại được thực hiện như sau:

 

Bước một: Xác định thu nhập thực tế của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị có hay không. Nếu có thì tổng số thu nhập là bao nhiêu.

 

Bước hai: Lấy tổng số thu nhập thực tế mà người bị thiệt hại có được trong thời gian điều trị so sánh với thu nhập thực tế tương ứng được xác định theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 1.2 này. Nếu không có khoản thu nhập thực tế nào của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị thì thu nhập thực tế của người bị thiệt hại bị mất; nếu thấp hơn thì khoản chênh lệch đó là thu nhập thực tế của người bị thiệt hại bị giảm sút; nếu bằng thì thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không bị mất.

 

Ví dụ 1: A làm nghề sửa xe máy tự do. Thu nhập thực tế của A trước khi sức khỏe bị xâm phạm là ổn định, trung bình mỗi tháng là một triệu đồng. Do sức khỏe bị xâm phạm, A phải điều trị nên không có khoản thu nhập nào. Trong trường hợp này thu nhập thực tế của A bị mất.

 

Ví dụ 2: B làm công cho một công ty trách nhiệm hữu hạn. Thu nhập thực tế của B trước khi sức khỏe bị xâm phạm là ổn định, trung bình mỗi tháng là 600 ngàn đồng. Do sức khỏe bị xâm phạm, B phải điều trị và trong thời gian điều trị công ty trả cho B 50% tiền lương là 300 ngàn đồng. Trong trường hợp này thu nhập thực tế của B mỗi tháng bị giảm sút 300 ngàn đồng.

 

Ví dụ 3: C là công chức có thu nhập hàng tháng ổn định 500 ngàn đồng. Do sức khỏe bị xâm phạm, C phải điều trị và trong thời gian điều trị cơ quan vẫn trả đủ các khoản thu nhập cho C. Trong trường hợp này thu nhập thực tế của C không bị mất.

 

1.3. Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.

 

a) Chi phí hợp lý cho người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị bao gồm: tiền tàu, xe đi lại, tiền thuê nhà trọ theo giá trung bình ở địa phương nơi thực hiện việc chi phí (nếu có) cho một trong những người chăm sóc cho người bị thiệt hại trong thời gian điều trị do cần thiết hoặc theo yêu cầu của cơ sở y tế.

 

b) Thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị được xác định như sau:

 

- Nếu người chăm sóc người bị thiệt hại có thu nhập thực tế ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề trước khi người đó phải đi chăm sóc người bị thiệt hại nhân với thời gian chăm sóc để xác định khoản thu nhập thực tế bị mất.

 

- Nếu người chăm sóc người bị thiệt hại có làm việc và hàng tháng có thu nhập ổn định, nhưng có mức thu nhập khác nhau thì lấy mức thu nhập trung bình của 6 tháng liền kề (nếu chưa đủ 6 tháng thì của tất cả các tháng) trước khi người đó phải đi chăm sóc người bị thiệt hại nhân với thời gian chăm sóc để xác định khoản thu nhập thực tế bị mất.

 

- Nếu người chăm sóc người bị thiệt hại không có việc làm hoặc có tháng làm việc có tháng không và do đó không có thu nhập ổn định thì được hưởng tiền công chăm sóc bằng mức tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người tàn tật tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú.

 

- Nếu trong thời gian chăm sóc người bị thiệt hại, người chăm sóc vẫn được cơ quan, người sử dụng lao động trả lương, trả tiền công lao động theo quy định của pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội thì họ không bị mất thu nhập thực tế và do đó không được bồi thường.

 

1.4. Trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên) thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

 

a) Chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại bao gồm: chi phí hợp lý hàng tháng cho việc nuôi dưỡng, điều trị người bị thiệt hại và chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại.

 

b) Chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại được tính bằng mức tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người tàn tật tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú. Về nguyên tắc, chỉ tính bồi thường thiệt hại cho một người chăm sóc người bị thiệt hại do mất khả năng lao động.

 

1.5. Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm.

 

a) Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm được bồi thường cho chính người bị thiệt hại.

 

b) Trong mọi trường hợp, khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Cần căn cứ vào hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I Nghị quyết này để xác định mức độ tổn thất về tinh thần của người bị thiệt hại. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần cần căn cứ vào sự ảnh hưởng đến nghề nghiệp, thẩm mỹ, giao tiếp xã hội, sinh hoạt gia đình và cá nhân...

 

c) Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại trước hết do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy đinh tại thời điểm giải quyết bồi thường.”

 

Như vậy, căn cứ vào tình hình thực tế thì mức bồi thường thiệt hại được tính như quy định trên. Tuy nhiên người gây thiệt hại này có thể được giảm mức bồi thường nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại;Thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại,...

 

Về nguyên tắc, nếu gia đình bạn và người lái ô tô tải có thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường thì việc bồi thường được tiến hành như hai bên đã thỏa thuận. Nếu không thể thỏa thuận được, bên gây thiệt hại không chịu bồi thường hoặc bồi thường không đúng thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện nơi bị đơn cư trú để được giải quyết. Cùng với đó gia đình bạn phải chuẩn bị những tài liệu, giấy tờ, chứng cứ chứng minh rằng họ có hành vi vi phạm pháp luật.

 

Tuy nhiên, gia đình bạn cần phải lưu ý rằng em gái bạn sẽ không nhận được tiền bồi thường thiệt hại nếu lỗi trên hoàn toàn do em gái bạn. Hoặc chỉ được nhận được một phần nếu như hai bên đều có lỗi trong trường hợp này.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn:Hoàng Khanh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo