LS Thanh Hương

Bồi thường thế nào nếu người gây thiệt hại đã chết?

Bồi thường thiệt hại là một chế định quan trọng được quy định trong Bộ luật dân sự. Đây được xem là nghĩa vụ, bổn phận, trách nhiệm của người gây thiệt hại phải bồi thường cho người bị thiệt hại nhằm phục hồi tình trạng tài sản, bù đắp tinh thần của người bị thiệt hại. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa nắm rõ các quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại như người phải bồi thường, cách thức bồi thường, thiệt hại phải bồi thường cũng như mức bồi thường,... Và trong trường hợp người gây thiệt hại chết thì ai có trách nhiệm bồi thường thiệt hại? Để giải đáp những thắc mắc này, Công ty Luật Minh Gia sẽ cung cấp những kiến thức liên quan thông qua bài viết dưới đây.

1. Bồi thường thiệt hại là gì?

Bồi thường thiệt hại là trách nhiệm, nghĩa vụ của người có hành vi vi phạm, có lỗi trong việc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp của người khác mà gây ra thiệt hại về vật chất, tinh thần thì phải bồi hoàn cho người bị thiệt hại nhằm phục hồi tình trạng tài sản, bù đắp tổn thất tinh thần cho người bị hại.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm bồi thường về vật chất và bồi thường về tinh thần. Bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm nghĩa vụ gây ra bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí ngăn chặn, hạn chế thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút, chi phí cứu chữa, chi phí mai táng. Bồi thường thiệt hại về tinh thần là trách nhiệm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường khoản tiền cho người bị thiệt hại.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại không chỉ nhằm bảo đảm việc đền bù tổn thất đã gây ra mà còn giáo dục mọi người về ý thức tuân thủ pháp luật, bảo vệ tài sản; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

2. Bồi thường thế nào nếu người gây thiệt hại đã chết?

Về bản chất, bồi thường thiệt hại được xác định là trách nhiệm của người có hành vi vi phạm và gây ra thiệt hại. Tuy nhiên, trong trường hợp người gây thiệt hại đã chết thì ai sẽ có trách nhiệm bồi thường? Tình huống dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này:

Câu hỏi tư vấn: Chào luật sư, nhờ luật sư tư vấn trường hợp gây thiệt hại nhưng bên gây thiệt thiệt mạng thì vấn đề bồi thường thiệt hại được giải quyết như thế nào? cụ thể: Trước kia, nhà cô em có xảy ra hỏa hoạn, nhưng không may là cả nhà đều tử vong. Khi xảy ra hỏa hoạn thì có làm cháy sang nhà em gây thiệt hại hầu như toàn bộ nhà và tài sản. Sau đó thì phần đất nhà cô em được ủy quyền lại cho cha mẹ hai bên. 

Giờ phần bên cô em được ủy quyền cho bà em. Bà em ủy quyền lại cho ba em xem như bồi thường thiệt hại. Luật sư cho em hỏi, giờ em phải làm sao để đòi bồi thường thiệt hại. Cũng như phần đất đó ba muốn làm giấy chủ quyền do thiệt hại lớn hơn giá trị phần đất thì phải cần làm như thế nào. Em cảm ơn luật sư.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Để xác định gia đình cô bạn có phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xảy ra vụ hỏa hoạn hay không, cần xem xét đến căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 584 – Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Trong đó, Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép (Căn cứ theo quy định tại Điều 156 – Bộ luật Dân sự 2015)

Theo quy định trên thì nếu vụ họa hoạn xảy ra dựa trên hành vi có lỗi của gia đình người cô (quên tắt bếp ga, để hở đường dây điện gây chập cháy,…) thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho hành vi của mình. Còn nếu trong trường hợp hỏa hoạn do sự kiện bất khả kháng (sét đánh gây cháy,…) nằm ngoài khả năng xử lý của gia đình nhà người cô thì họ sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình bạn.

Trong trường hợp xác định nguyên nhân gây cháy là do hành vi gây thiệt hại từ phía gia đình nhà người cô, thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình bạn. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm được xác định dựa trên các căn cứ thể hiện tại Điều 589 – Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

"Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

4. Thiệt hại khác do luật quy định."

Gia đình bạn có thể căn cứ vào thiệt hại trên thực tế để yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại. Nếu gia đình người cô bạn đều đã mất, thì việc bồi thường của họ được thực hiện với phần di sản họ đã để lại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại được ưu tiên thanh toán trước khi đem ra chia thừa kế nhưng chỉ được thanh toán sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ tài sản khác như chi phí mai táng, tiền cấp dưỡng, tiền bảo quan di sản, … theo quy định tại Điều 658 như sau:

"Điều 658. Thứ tự ưu tiên thanh toán

Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:

1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng.

2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu.

3. Chi phí cho việc bảo quản di sản.

4. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ.

5. Tiền công lao động.

6. Tiền bồi thường thiệt hại.

7. Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước.

8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân.

9. Tiền phạt.

10. Các chi phí khác."

Để đòi bồi thường cho thiệt hại của gia đình, bố bạn có thể yêu cầu những người thừa hưởng phần di sản mà gia đình người cô để lại tiền hành bồi thường trước khi thực hiện chia thừa kế. Do mảnh đất mà bà bạn đang có ý định chuyển quyền cho bố bạn chưa chắc đã là tài sản riêng của người cô mà còn xem xét đến quyền sử dụng của người chồng và các thành viên khác trong gia đình họ. Do vậy, có thể bà bạn không đủ tư cách chủ thể để quyết định chuyển nhượng căn nhà này cho bố bạn để thay cho nghĩa vụ bồi thường thiệt hại được hay không.

Để giải quyết đúng quy định và được pháp luật công nhận quyền sử dụng của bố bạn trong trường hợp này, chúng tôi xin đưa ra một số hướng giải quyết như sau:

Những người thuộc hàng thừa kế gần nhất có quyền thừa hưởng di sản của gia đình người cô sẽ họp mặt và thống nhất ý kiến về vấn đề bồi thường thiệt hại, đến văn phòng công chứng để thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế, sau đó người đại diện hưởng thừa kế sẽ làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất đó cho bố bạn.

Còn trong trường hợp mảnh đất này là tài sản riêng của người cô mà bố bạn là một trong những người thuộc hàng thừa kế có quyền thừa hưởng di sản người cô để lại, thì gia đình có thể họp mặt thỏa thuận trong văn bản phân chia di sản thừa kế, trong đó những người khác sẽ từ chối nhận di sản và chỉ còn lại bố bạn là người thừa kế theo pháp luật duy nhất thừa hưởng di sản trong hàng thừa kế đó. Như vậy, bố bạn có thể dùng văn bản phân chia di sản thừa kế đã được công chứng để làm thủ tục sang tên quyền sử dụng đất.

Về những hàng thừa kế khi chia thừa kế theo pháp luật, gia đình bạn có thể tham khảo tại Điều 651 – Bộ luật dân sự 2015 như sau:

"Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản."

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo