Hoàng Thị Kim Lý

Bồi thường chi phí đào tạo khi vi phạm cam kết làm việc

Năm 2009, cháu đi học nghành bác sĩ đa khoa tại trường đh y dược Huế theo diện đào tạo địa chỉ hợp đồng do ngân sách tỉnh Q chi trả, sau khi ra trường phải về làm việc cho tỉnh 10 năm và sở y tế tạm giữ bằng, nếu không thực hiện đúng cam kết phải bồi thường gấp 5 lần chi phí tỉnh đã chi trả cho cháu trong 6 năm vừa rồi.

Câu hỏi tư vấn:
Tôi tên là : N. T. B. K. Tôi vừa tốt nghiệp nghành bác sĩ đa khoa trường đh y dược Huế năm 2015 (Tên khách hàng đã được thay đổi để đảm bảo thông tin khách hàng).

Năm 2009, cháu đi học nghành bác sĩ đa khoa tại trường đh y dược Huế theo diện đào tạo địa chỉ hợp đồng do ngân sách tỉnh Quảng Trị chi trả, sau khi ra trường phải về làm việc cho tỉnh 10 năm và sở y tế tạm giữ bằng, nếu không thực hiện đúng cam kết phải bồi thường gấp 5 lần chi phí tỉnh đã chi trả cho cháu trong 6 năm vừa rồi.

Tuy nhiên, trong thời gian đi học, cháu có yêu 1 anh và chúng cháu xác định tiến tới hôn nhân. Nên gia đình cháu quyết định chấm dứt hợp đồng và bù tiền cho tỉnh. Ngày 26/08/2015, cháu lên nộp đơn tại sở y tế thì được Trưởng phong tổ chức Sở y tế trả lời : chuyện này rất khó khăn, cháu bù tiền rồi vẫn không được lấy bằng . Khi cháu hỏi vì sao thì ông Trưởng phong tổ chức trả lời : diện cháu đi học là diện đặc biệt, không có sở thì cháu không có bằng tốt nghiệp nên có bù tiền cũng không được nhận bằng. và về số tiền bù thì ông phó phòng tổ chức trả lời : bù 420 triệu mà chưa kể tiền lãi đó ( trong khi học phí 6 năm của cháu la 66,9 triệu. bù gấp 5 lần là 334,5 triệu. chứ cháu không hề thấy hợp đồng có tính lãi). 1 tuần sau sở hẹn gia đình cháu lên gặp và yêu cầu cháu phải có giấy đăng kí kết hôn và bù tiền vẫn không nhận được bằng. Khi cháu nói cháu đã tìm hiểu mạng và các tỉnh khác khi bù tiền thì được trả bằng thì ông trưởng phòng tổ chức trả lời : các tỉnh khác , tỉnh Q khác và nếu cháu làm “căng” thì cháu vừa phải bù tiền vì chấm dứt hợp đồng mà còn không đi làm được ở đâu cả và sở sẽ không giải quyết. và ông bảo : nếu cháu vào làm ở quê chồng thì sở sẽ thông báo ở nơi đó việc giữ bằng cháu và cháu không được lấy bằng.

Vấn đề là người yêu cháu làm công an, khi kết hôn phải xác minh lí lịch mất 2-3 tháng, trong khi gia đình 2 bên vừa mới ra mắt và nếu giờ xác minh lí lịch thì cũng hơn 2 tháng nữa mới xong.

Cháu muốn hỏi luật sư :

1, Khi cháu đã chấm dứt hợp đồng và bù đủ tiền cho tỉnh thì cháu được nhận bằng đúng không ah ?

2, Nếu cháu đã chấm dứt hợp đồng và bù đủ tiền cho tỉnh mà sở y tế vẫn giữ bằng cháu thì sở có vi phạm luật không?

3, Vì vấn đề này liên quan giữa cháu – sở y tế và ủy ban nhân dân tỉnh nên nếu sở giải quyết không hợp lí thì cháu sẽ viết đơn lên ủy ban nhân dân tỉnh và bên tòa án không ah ?

4, Nếu cháu chưa có giấy đăng kí kết hôn thì theo luật, sở có giải quyết cho cháu theo đơn cháu gửi không ? ( Ông trưởng phòng tổ chức bảo việc này giải quyết tình cảm, chứ theo luật cháu vi phạm và phải bù tiền và không được nhận bằng cũng như sở sẽ gửi thong báo đến các cơ quan trên cả nước để cháu không thể làm việc được. )

5, Luật sư có thể gửi cho cháu về các nội dung các bộ luật, điều khoản về có liên quan đến trường hợp của cháu được không ? Cháu xin chân thành cảm ơn ! 

Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, công ty xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, về việc Sở Y tế tỉnh Q giữ bằng đại học của bạn.

Theo quy định của Bộ Luật lao động 2012 có quy định về các hành vi người sử dụng lao động không được phép thực hiện khi giao kết hợp đồng như sau:

Điều 20. Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động

1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

Ngoài ra đối với hành vi của công ty bạn có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Điều 5 nghị định 95/2013/NĐ-CP:

 2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;

b) Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này."

Ngoài ra Điều 8 Nghị định này cũng quy định về xử phạt đối với một số hành vi của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng như sau:

"Điều 8.

1. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo thời hạn quy định tại Khoản 2 Điều 47 của Bộ luật lao động; không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 47 của Bộ luật lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;"

Bên cạnh đó, biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng là : buộc trả lại giấy tờ đã giữ của người lao động.

Vì việc giữ bằng đại học bản chính của bạn là hành vi trái pháp luật nên bạn có thể đến cơ quan LV yêu cầu hoàn trả bằng đại học cho bạn.

Trong trường hợp cơ quan LV cố tình không trả thì bạn có thể làm đơn tố cáo đến cơ quan thanh tra lao động cấp tỉnh để yêu cầu can thiệp xử lý hành vi vi phạm.

Bạn có thể trình bày với Thanh tra lao động Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để họ xử lý hành vi này.

Trong trường hợp cơ quan LV không hoàn trả, bạn cần làm thủ tục khởi kiện vụ án dân sự, cụ thể là khởi kiện đòi lại tài sản..

Thứ hai, về việc bồi thường chi phí đào tạo.

Trường hợp của bạn do Sở y tế tỉnh Quảng Trị chi trả chi phí đào tạo vì vậy nên sẽ áp dụng quy định của Bộ luật lao động 2012 về hợp đồng đào tạo nghề và Luật giáo dục nghề nghiệp 2013.

Điều 62 của Bộ luật lao động 2012 có quy định về hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề như sau:

1. Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.

Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

2. Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Nghề đào tạo;

b) Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo;

c) Chi phí đào tạo;

d) Thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo;

đ) Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;

e) Trách nhiệm của người sử dụng lao động.

3. Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài.

Điều 61 Luật giáo dục nghề nghiệp 2013 có quy định về nghĩa vụ làm việc có thời hạn của người học như sau:

1. Người tốt nghiệp các khóa đào tạo theo chế độ cử tuyển, theo các chương trình do Nhà nước đặt hàng, cấp học bổng, chi phí đào tạo hoặc do nước ngoài tài trợ theo hiệp định ký kết với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải chấp hành sự điều động làm việc có thời hạn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp không chấp hành thì phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.

2. Người tốt nghiệp các khóa đào tạo do người sử dụng lao động cấp học bổng, chi phí đào tạo phải làm việc cho người sử dụng lao động theo thời hạn đã cam kết trong hợp đồng đào tạo; trường hợp không thực hiện đúng cam kết thì phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.
 
Như vậy, với trường hợp của bạn, bạn không thực hiện cam kết làm việc với Sở y tế trong thời hạn 10 năm nên bạn sẽ phải bồi thường chi phí đào tạo. Tuy nhiên, mức bồi thường ở đây chỉ là chi phí mà Sở đã bỏ ra để đào tạo bạn trong 6 năm học. Thỏa thuận bồi thường gấp 5 lần chi phí đào tạo là không phù hợp với pháp luật lao động, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động nên sẽ không được công nhận mà bạn chỉ phải bồi thường đúng chi phí mà Sở đã bỏ ra.

Tóm lại, căn cứ theo thông tin bạn đưa ra, Sở y tế tỉnh Q đang thực hiện trái quy định của pháp luật. Bạn hoàn toàn có thẻ yêu cầu được trả lại bằng đại học bản chính. Khi vi phạm cam kết thì chỉ phải bồi thường chi phí đào tạo Sở đã bỏ ra để đào tạo bạn, không có căn cứ phải bồi thường gấp 5 lần. Sở y tế cũng không có thẩm quyền buộc bạn phải nộp giấy đăng kí kết hôn như bạn đã trình bày phía trên.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Bồi thường chi phí đào tạo khi vi phạm cam kết làm việc . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


CV: Thùy Dương - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo