Luật sư Trần Khánh Thương

Giám đốc tham gia BHXH có cần ký hợp đồng lao động?

Trong cơ cấu tổ chức quản lý của công ty TNHH, giám đốc là một chức danh quản lý, có quyền nhân danh công ty tuyển dụng lao động, ký kết các hợp đồng và một số quyền khác theo quy định của pháp luật. Vậy giám đốc có được nhân danh công ty tự ký hợp đồng lao động với chính mình hay không? Việc ký kết này có trái với quy định pháp luật về phạm vi đại diện?

Câu hỏi đề nghị tư vấn:

Công ty em là Cty TNHH 2 thành viên thì không ký HĐLĐ với giám đốc mà đóng BHXH theo quy định đúng không ạ? Giám đốc Cty TNHH 2 thành viên (Giám đốc là người đại diện theo pháp luật) thì có được tự ký HĐLĐ với chính mình hay không ạ? Mong luật sư giải đáp giúp em. Em xin cảm ơn!

Trả lời câu hỏi tư vấn:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung bạn yêu cầu tư vấn, Công ty Luật Minh Gia xin đưa ra quan điểm như sau:

Thứ nhất, quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020 về thẩm quyền đại diện của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp như sau:

Điều 12. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Theo quy định trên, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sẽ đại diện cho doanh nghệp thực hiện toàn bộ các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ các giao dịch của doanh nghiêp. Khi giao kết các hợp đồng kinh tế, hợp đồng lao động, doanh nghiệp với tư cách là pháp nhân không thể thực hiện việc ký hợp đồng được mà việc ký kết này sẽ phải do một cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện, gọi là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Các quyền và nghĩa vụ từ các hợp đồng trên sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ cho doanh nghiệp chứ không phải cho người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Thứ hai, thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động của giám đốc công ty

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 63 Luật doanh nghiệp năm 2020 về thẩm quyền của Giám đốc trong công ty TNHH hai thành viên trở lên như sau:

Điều 63. Giám đốc, Tổng giám đốc

2. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên;

b) Quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty;

c) Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;

d) Ban hành quy chế quản lý nội bộ của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;

đ) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý trong công ty, trừ chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên;

e) Ký kết hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên;

g) Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức công ty;

h) Trình báo cáo tài chính hằng năm lên Hội đồng thành viên;

i) Kiến nghị phương án sử dụng và phân chia lợi nhuận hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;

k) Tuyển dụng lao động;

l) Quyền và nghĩa vụ khác được quy định tại Điều lệ công ty, nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên, hợp đồng lao động.”

Theo quy định trên, giám đốc công ty có quyền ký kết hợp đồng nhân danh công ty (bao gồm cả hợp đồng lao động), trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch hội đồng thành viên hoặc các trường hợp phải được sự đồng ý của Hội đồng thành viên.

Căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 67 Luật doanh nghiệp năm 2020 về hợp đồng, giao dịch phải được Hội đồng thành viên chấp thuận như sau:

Điều 67. Hợp đồng, giao dịch phải được Hội đồng thành viên chấp thuận

1. Hợp đồng, giao dịch giữa công ty với đối tượng sau đây phải được Hội đồng thành viên chấp thuận:

a) Thành viên, người đại diện theo ủy quyền của thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty;

Theo quy định trên, những hợp đồng giữa công ty ký kết với giám đốc thì phải được Hội đồng thành viên chấp thuận. Theo đó, hợp đồng lao động giữa công ty ký kết với giám đốc phải được sự chấp thuận của Hội đồng thành viên. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định một tỷ lệ khác, nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên về việc ký kết hợp đồng lao động với giám đốc được thông qua tại cuộc họp khi được các thành viên dự họp sở hữu từ 65% tổng số vốn góp của tất cả thành viên dự họp trở lên tán thành.

Căn cứ quy định được khoản 3 Điều 141 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 về phạm vi đại diện như sau:

“Điều 141. Phạm vi đại diện

3. Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Theo quy định trên, một cá nhân không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình. Theo đó, giám đốc không được nhân danh công ty để ký hợp đồng lao đồng với chính mình. Trường hợp giám đốc nhân danh công ty ký kết hợp đồng lao động với chính mình thì sẽ vượt quá phạm vi đại diện.

Tuy nhiên, căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 143 BLDS năm 2015 về hậu quả của giao dịch dân sự được xác lập do vượt quá phạm vi đại diện như sau:

“Điều 143. Hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện

1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây:

a) Người được đại diện đồng ý;”

Theo quy định trên, giao dịch dân sự do người đại diện xác lập vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần vượt quá, trừ trường hợp được người đại diện đồng ý. Theo đó, giám đốc là người đại diện pháp luật của công ty, nhân danh công ty tự ký kết hợp đồng lao động với chính mình là vượt quá phạm vi đại diện nhưng việc ký kết này lại cần phải có sự chấp thuận của hội đồng thành viên, mà hội đồng thành viên là cơ quan có quyền lực cao nhất trong công ty TNHH (người được đại diện). Như vậy, giám đốc vẫn có thể nhân danh công ty để tự ký hợp đồng lao động với chính mình, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công ty đối với mình khi được hội đồng thành viên đồng ý.

Tóm lại, theo quy định pháp luật hiện hành thì giám đốc đồng thời là người đại diện theo pháp luật của công ty vẫn có quyền ký kết hợp đồng lao động với chính mình và làm phát sinh hiệu lực của hợp đồng này. Tuy nhiên, trên thực tế, để tránh trường hợp hai bên trong Hợp đồng lao động đều thể hiện chữ ký của một người thì các công ty thường lựa chọn hình thức giám đốc ủy quyền cho một cá nhân khác trong công ty để ký kết hợp đồng lao động với mình.

Thứ ba, về việc tham gia BHXH của giám đốc công ty TNHH 2 thành viên

Căn cứ theo quy định tại điểm h Khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Đối chiếu quy định tại Khoản 24 Điều 4 Luật doanh nghiệp năm 2020 thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và các cá nhân giữ chức danh quản lý khác được xác định là người quản lý doanh nghiệp.

Trường hợp công ty bạn là công ty TNHH  2 thành viên thì Giám đốc là người quản lý doanh nghiệp nếu có hưởng tiền lương thì thuộc đối tượng tham gia BHXH với tư cách người quản lý doanh nghiệp, không phải người lao động. Do vậy, để tham gia BHXH cho giám đốc thì công ty không bắt buộc phải ký HĐLĐ với giám đốc. Giám đốc công ty có thể thực hiện các công việc của mình với tư cách người quản lý doanh nghiệp theo Điều lệ công ty và các quyết định bổ nhiệm của Hội đồng thành viên.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo