LS Vũ Thảo

Bố muốn bảo lãnh cho con sang nước ngoài định cư có cần sự đồng ý của mẹ?

Tôi và vợ tôi chưa đăng ký kết hôn , và có con chung, khai sinh của bé có tên 2 vợ chồng tôi. Vợ chồng tôi đã chia tay , sau khi chia tay bé ở với tôi. Sau đó tôi qua mỹ định cư. Bé ở với ba mẹ tôi. Bé sinh tháng 13/7/2015. Bây giờ tôi muốn làm hồ sơ bảo lãnh bé sang mỹ định cư với tôi. Vậy tôi cần phải làm giấy tờ gì để đưa bé qua mỹ, với tính khí của vợ tôi, chắc chắn nếu biết con qua mỹ định cư, sẽ kiếm chuyện không cho con đi.

Tôi tính nói mẹ tôi là điện thoại cho vợ , nói là làm giấy ủy quyền cho mẹ tôi được toàn quyền quyết định nuôi châu và dẫn cháu đi xuất cảnh. Sau khi vợ tôi đồng ý uỷ quyền, thì mẹ tôi sẽ ủy quyền lại cho tôi. Theo luật sư cách đó được không? Vậy lúc làm giấy uỷ quyền cho mẹ tôi, tôi có phải về Việt nam không? Vì khai sinh bé có tên tôi. Hay chỉ cần vợ tôi ủy quyền trực tiếp qua cho mẹ tôi thôi, tôi sẽ về sau bổ sung được không? Và thời hạn ủy quyền là bao lâu? Mình có thể làm uỷ quyền vô thời hạn không? Cám ơn luật sư

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Vì bạn và “vợ” bạn chưa đăng ký kết hôn, do đó trường hợp của bạn được xác định là chung sống như vợ chồng với một người khác và không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng.

Điều 15 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như sau: "Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con."

Và Điều 69 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ như sau:

"1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.

2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự…”

Như vậy, pháp luật không có quy định cụ thể về vấn đề đưa con ra nước ngoài sinh sống phải có sự đồng ý của cha mẹ. Tuy nhiên, trên thực tế khi bạn đưa con ra nước ngoài sinh sống thì khi làm thủ tục xuất nhập cảnh họ vẫn sẽ yêu cầu có sự đồng ý bằng văn bản của cả cha và mẹ của cháu bé. Vì việc bạn tự ý mang con ra nước ngoài định cư mà không được sự đồng ý của người mẹ sẽ làm hạn chế các quyền, nghĩa vụ của mẹ đối với con. Quyền của cha mẹ được xác định là quyền nhân thân của cá nhân, tức là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác. Điều 39 Bộ luật dân sự 2015 quy định quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình như sau:

“1. Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình.

Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha, mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha, mẹ của mình.

2. Cá nhân thực hiện quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình theo quy định của Bộ luật này, Luật hôn nhân và gia đình và luật khác có liên quan.”

Theo các căn cứ trên, bạn bắt buộc phải về Việt Nam và thỏa thuận với mẹ cháu bé về việc muốn đưa cháu sang Mỹ định cư. Và chỉ khi được sự đồng ý bằng văn bản của mẹ bé thì bạn mới làm thủ tục đưa cháu đi định cư ở nước ngoài được. Mẹ bạn cũng không có quyền thay mặt mẹ cháu bé để toàn quyền quyết định nuôi cháu và dẫn cháu đi xuất cảnh. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo