LS Hoài My

Bố mất không để lại chúc, chia tài sản thừa kế như nào?

Luật sư tư vấn về vấn đề: Bố mất không để lại di chúc, những người thuộc hàng thứa kế thứ nhất thỏa thuận để lại cho một người đứng tên tài sản thì hậu quả pháp lý sau này như thế nào?

1. Chia thừa kế khi bố chết không để lại di chúc thế nào?

Câu hỏi:

Kính chào luật sư, Tôi có câu chuyện muốn nhờ luật sư giải đáp ạ. Bố tôi mất nhưng không để lại quyền thừa kế. Trong khi sổ đỏ nhà gắn liền trên đất mang tên bố tôi (sổ đất có là sau khi mẹ tôi và bố tôi kết hôn). Nhà tôi có 8 anh, chị em. Mỗi người cũng đã được chia cho 1 mảnh đất riêng. Nay mẹ tôi muốn họp gia đình để sang tên giấy tờ đất qua tên mẹ tôi. Vậy khi sổ đã được sang tên mẹ tôi rồi mà mẹ muốn sang tên lại cho tôi hoặc viết di chúc cho tôi hết thì có cần phải họp anh, em lại nữa không thưa luật sư? Tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Bộ luật Dân sự 2015 quy định cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình hoặc để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật.

Điều 651 Bộ luật Dân sự quy định Người thừa kế theo pháp luật:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.”

Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 quy định Từ chối nhận di sản:

“1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản”.

Theo đó, sau khi bố bạn mất mà không để di chúc thì tài sản của bố bạn sẽ chia theo pháp luật và chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất nêu trên. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Nhưng trước tiên cần xác định quyền sử dụng đất đó là tài sản chung hay tài sản riêng của bố mẹ bạn. Nếu là tài sản chung thì đầu tiên sẽ chia đôi tài sản đó cho bố và mẹ bạn, mỗi người được 1 nửa tài sản. Sau đó, nửa tài sản của bố bạn sẽ chia theo pháp luật.

Nếu là tài sản riêng của bố bạn thì sẽ tiến hành chia tài sản theo pháp luật.

Việc tiến hành chia di sản thừa kế theo pháp luật do những người thuộc hàng thừa kế thỏa thuận với nhau. Nếu không thỏa thuận được thì nhờ bên cơ quan có thẩm quyền sẽ phân chia di sản thừa kế đó.

Trường hợp những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của gia đình bạn thỏa thuận với nhau sẽ để lại tài sản là quyền sử dụng đất đó cho mẹ bạn đứng tên. Việc thỏa thuận này có thể là ủy quyền cho mẹ bạn đứng tên hoặc những người thuộc hàng thừa kế từ chối nhận di sản và để lại cho một mình mẹ bạn đứng tên.

Trường hơp ủy quyền cho mẹ đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên thì sau này khi mẹ bạn muốn chuyển nhượng, tặng cho người khác thì cần có sự đồng ý của những người đã ủy quyền cho mẹ bạn. Còn khi mẹ bạn để lại di chúc thì mẹ bạn cũng chỉ định đoạt được phần tài sản của mình chứ không được định đoạt toàn bộ số tài sản( toàn bộ quyền sử dụng đất) cho người khác.

Trường hợp những người thuộc hàng thứa kế thứ nhất đã từ chối nhận di sản (thủ tục từ chối nhận di sản được tiến hành theo quy định của pháp luật) và để lại toàn bộ cho mẹ bạn đứng tên trên toàn bộ quyền sử dụng đất thì sau này những người thuộc hàng thừa kế đó sẽ không có quyền đối với tài sản này nữa. Nên khi mẹ bạn muốn chuyển nhượng, tặng cho hay để lại di chúc thì sẽ không cần có sự đồng ý của những người đó nữa. Một mình mẹ bạn là người tự định đoạt tài sản đó.

---

2. Không để lại di chúc sẽ được giải quyết chia thừa kế ra sao?

Câu hỏi:

Chào quý luật sư! Tôi có câu hỏi mong quý luật sư tư vấn như sau: Ông nội tôi có 4 người con (2 trai 2 gái), hiện ông nội tôi đã mất, bà nội thì vần còn sống nhưng đã không còn minh mẫn, ông nội tôi có thửa đất hơn 500m vuông (chưa làm sổ đỏ), khi ông chết không để lại di chúc (mảnh đất hiện đứng tên bà nội). Bố tôi cũng đã mất nhiều năm, hiện nay mảnh đất này mẹ con tôi và gia đình chú tôi ở (gia đình chú tôi ở phần đất hơn 300m, mẹ con tôi ở phần đất 200m). 2 người con gái không có ý định nhận phần đất này, bây giờ chỉ còn gia đình tôi và chú tôi. Nguyện vọng của tôi là muốn làm sổ đỏ phần đất hiện đang ở (đang sử dụng) (đứng tên tôi - cháu trai của ông bà nội tôi) thì có được không và nếu được thì thủ tục thế nào. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Trong trường hợp ông bạn mất không để lại di chúc và mảnh đất hiện đang đứng tên bà nội bạn, do bạn không nêu rõ nên chúng tôi sẽ giả định hai trường hợp:

+ Trường hợp 1: gia đình bạn đã thoả thuận nhờ bà đứng tên mảnh đất 500m2 và mảnh đất không phải toàn quyền sở hữu của bà.

Khi đó, nếu bạn muốn nhận phần đất 200m2 thì phải có sự thoả thuận phân chia di sản của những người trong gia đình. Căn cứ vào Điều 656 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

"Điều 656. Họp mặt những người thừa kế

1. Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận những việc sau đây:

a) Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;

b) Cách thức phân chia di sản.

2. Mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản."

Nếu muốn phân chia di sản thừa kế cho bạn và được pháp luật thừa nhận, thì cần thực hiện qua 2 bước:

- Bước 1: Khai nhận di sản thừa kế tại Phòng công chứng nơi có bất động sản.

- Bước 2: Sau khi hoàn thành việc tách thửa và sang tên cho bạn.

+ Trường hợp 2: gia đình bạn đã thoả thuận để cả mảnh đất 500m2 đứng tên bà nội.

Trong trường hợp ông nội bạn mất không để lại di chúc, nếu di sản đã chia và gia đình bạn đồng thuận cho thửa đất hơn 500m vuông đứng tên bà nội và làm sổ đỏ thì mảnh đất đó thuộc quyền sử dụng của bà. Khi đó mảnh đất sẽ do bà nội của bạn toàn quyền quyết định. Nếu bạn muốn đứng tên mảnh đất đang sử dụng thì cần có sự đồng ý của bà để thực hiện các giao dịch như thừa kế, tặng cho hay chuyển nhượng. Tuy nhiên việc bà nội bạn không còn minh mẫn, do đó bà không thể tự thực hiện giao dịch chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất cho người khác mà không thông qua người giám hộ căn cứ theo quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) như sau:

“Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”

Như vậy, đối với các giao dịch tặng cho, chuyển nhượng, thừa kế… quyền sử dụng đất phải được thực hiện khi chủ sở hữu phải tỉnh táo, minh mẫn, có đủ năng lực hành vi dân sự. Do đó, nếu muốn thực hiện giao dịch thì phải thông qua người giám hộ theo Khoản 1 Điều 159 BLDS 2015 về quyền của người giám hộ như sau:

“Điều 59. Quản lý tài sản của người được giám hộ

1. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.

Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.”

Trong trường hợp của bạn: bà bạn tuy không còn minh mẫn nhưng chưa bị Tòa án tuyên là mất năng lực hành vi dân sự nên mẹ bạn, các con của bà chưa được xác định là người giám hộ của bà. Vì vậy không có quyền định đoạt căn nhà là tài sản của bà.

Nếu bà bạn bị Tòa án tuyên là mất năng lực hành vi dân sự và người thân của bạn là người giám hộ của bà thì khi thực hiện một giao dịch dân sự đối với tài sản có giá trị lớn phải được thực hiện vì lợi ích của bà bạn và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ (theo Điều 51 BLDS là người do người thân thích của người được giám hộ thoả thuận cử ra). Do đó, bạn cũng không được sang tên quyền sử dụng đất nếu việc sang tên đó không vì lợi ích của bà nội bạn.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo