Nguyễn Kim Quý

Bố chồng có được di chúc quyền sử dụng đất khi mẹ chồng đã mất không?

Luật sư tư vấn về vấn đề phân chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất. Nếu anh và em trai đã được chia quyền sử dụng đất thì có quyền được thừa kế quyền sử dụng đất còn lại không?

Nội dung tư vấn: Thưa Luật sư Cám ơn sự giúp đỡ của quí Luật Sư : LUẬT MINH GIA Thưa Luật Sư Năm bố chồng tôi 61 tuổi (năm nay ông 79) ông và mẹ chồng tôi đã họp các con trai (có 3 con trai) v/v chia đất đất có 2 vị trí (chỗ hiện tại bố tôi đang ở) và 1 chỗ cách 200m. Hiện tại anh trai cả đã ở chỗ cách 200m , anh thứ hai (2) đã được bố mẹ chồng tôi chia cho đất và chuyển sổ đỏ QSD cho anh thứ hai (2) (cùng chỗ ở hiện tại) , phần còn lại là của chồng tôi (con trai út) anh trai cả, anh trai hai đều có đất và đứng tên trên mảnh đất mà bố mẹ tôi đã phân chia , tuy nhiên thì phần đất hiện tại bố tôi đang sống ông bà đã di chúc cho chồng tôi (di chúc miệng) , và trong thời gian hơn 15 năm ông bà có nhắc đi nhắc lại vài lần (chỉ bằng miệng) v/v chồng tôi sẽ được QSD đất còn lại sau khi bố mẹ tôi mất, nhưng anh trai cả không thuận ý và anh vẫn muốn bố mẹ tôi phải chia cho anh 1 phần đất hiện tại của ông cho anh ấy, bố mẹ tôi không đồng ý và ông bà tâm nguyện là cho hết chồng tôi. Hiện mẹ chồng tôi đã mất và để không phát sinh tranh chấp ở tương lai thì hiện tại một mình bố tôi có đủ điều kiện để di chúc lại cho chồng tôi, con trai tôi hay không?, nếu có thì cần những thủ tục giấy tờ gì để di chúc lại và đúng với pháp luật. Xin quý Luật Sư : LUẬT MINH GIA hãy tư vấn giúp đỡ tôi.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Vì bạn không nói rõ mảnh đất trên thuộc quyền sử dụng của ai nên có thể chia thành 2 trường hợp như sau:

 

Trường hợp thứ nhất, nếu mảnh đât này thuộc quyền sử dụng của riêng một mình bố chồng bạn, tức là bố chồng bạn được cấp Giấy chứng nhận trước khi kết hôn với mẹ bạn hoặc được thừa kế, tặng cho riêng hoặc được hình thành nhờ vào nguồn tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân,... và có những chứng cứ chứng minh về vấn đề này thì việc bố chồng bạn để lại tài sản cho chồng bạn và con trai bạn chỉ phụ thuộc ý chí của bố chồng bạn mà không cần có sự đồng ý của người khác và sau khi bố chồng bạn mất, bản di chúc này có hiệu lực, người anh trai của chồng bạn cũng không có quyền tranh chấp với phần di sản này mà chồng và con trai bạn được thừa kế theo quy định tại Điều 624 BLDS 2015:

 

“Điều 624. Di chúc

 

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”

 

Trường hợp thứ hai, nếu mảnh đất này là mảnh đất cấp cho chung hai vợ chồng bố chồng bạn hoặc hình thành trong thời kỳ hôn nhân nhờ vào tài sản chung của ông bà thì bố chồng bạn không thể là di chúc để lại cho chồng bạn và con trai bạn cả mảnh đất được mà chỉ để lại phần tài sản của bố chồng bạn trong khối tài sản chung là một nửa quyền sử dụng mảnh đất cộng với phần di sản bố bạn được hưởng thừa kế từ mẹ chồng bạn khi mẹ chồng bạn mất căn cứ Điều 66 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 như sau:

 

“Điều 66. Giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết

 

1. Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.

 

2. Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.

…”

 

Phần quyền sử dụng đất của mẹ chồng bạn sẽ được chia theo di chúc mà mẹ bạn để lại hoặc chia theo quy định của BLDS 2015 trong trường hợp không có di chúc hoặc di chúc mẹ bạn để lại không hợp lệ:

 

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

 

Như vậy, phần di sản của mẹ chồng bạn sẽ được chia đều cho bố bạn, anh trai chồng bạn, chồng bạn và em trai chồng bạn không kể anh trai và em trai chồng bạn đã được cho đất hay chưa. Để chồng bạn được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì trước khi thỏa thuận phân chia di sản thừa kế của mẹ chồng bạn thì những người thừa kế còn lại phải làm văn bản từ chối nhận di sản thừa kế Việc bố mẹ chồng chỉ nói miệng về việc cho chồng bạn được phần đất còn lại của ông bà không làm phát sinh quyền thừa kế của chồng bạn đối với mảnh đất bởi di chúc miệng chỉ phát sinh hiệu lực nếu có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 5 Điều 630 BLDS 2015:

 

“5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.”

 

Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định tại Điều 57 và Điều 58 Luật Công chứng 2014:

 

“Điều 57. Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.

 

Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.

 

2. Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.

 

Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.

 

3. Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.

 

Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.

 

4. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.”

 

“Điều 58. Công chứng văn bản khai nhận di sản

 

1. Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.

 

2. Việc công chứng văn bản khai nhận di sản được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 57 của Luật này.

 

3. Chính phủ quy định chi tiết thủ tục niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản.”

 

Như vậy, để thực hiện việc công chứng văn bản thỏa thuận hoặc văn bản phân chia di sản thừa kế, gia đình bạn cần cung cấp những giấy tờ sau:

 

+ Văn bản phân chia di sản thừa kế 

 

+ Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đã được cấp

 

+ Giấy khai sinh của chồng

 

+ Chứng minh thư, sổ hộ khẩu,…

 

Bố chồng bạn có thể lựa chọn một trong số các loại di chúc theo quy định của pháp luật Dân sự để thể hiện ý chí của mình theo quy định tại Điều 627, 628 BLDS 2015:

 

“Điều 627. Hình thức của di chúc

 

Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.”

 

“Điều 628. Di chúc bằng văn bản

 

Di chúc bằng văn bản bao gồm:

 

1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.

 

2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.

 

3. Di chúc bằng văn bản có công chứng.

 

4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực.”

 

Tóm lại, một mình bố chồng bạn sẽ không thể để lại di chúc quyền sử dụng cả mảnh đất cho chồng bạn và con trai bạn được mà gia đình bạn sẽ phải làm thủ tục phân chia di sản thừa kế của mẹ chồng bạn trước, nếu bố chồng bạn, anh trai và em trai chồng bạn từ chối nhận di sản thừa kế thì sau khi bố chồng bạn để di chúc cho chồng và con trai bạn được hưởng phần di sản là nửa phần đất còn lại thì chồng bạn và con trai bạn mới được đúng tên trên cả mảnh đất. Bố chồng bạn có thể lựa chọn loại di chúc theo quy định tại Điều 627 và Điều 628 BLDS 2015.

 

Trân trọng.

Phòng tư vấn pháp luật Dân sự - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo