LS Thanh Hương

Bị ngăn cản thăm nuôi con sau ly hôn phải làm thế nào?

Trong luật hôn nhân và gia đình điều 82 quy định quyền thăm con nhưng không quy đinh rõ là sau khi ly hôn người không trực tiếp nuôi con (chồng) đến thăm con bao nhiêu lần trong tháng. Khi ra tòa em có thể quy định số lần trong tháng đến thăm con được không?

Câu hỏi:

Chào luật sư! Lời đầu tiên em xin kính chúc luật sư và gia đình dồi dào sức khỏe.Vợ chồng em kết hôn được 2 năm có bé trai được 5 tháng. Trong quá trình chung sống vợ chồng em không tìm được tiếng nói chung trong hôn nhân và chồng em không chung thủy với em trong thời gian em nằm cữ sinh em bé dẫn đến ly hôn. Em có những vấn đề thắc mắc như sau:

1. Trong luật hôn nhân và gia đình điều 82 quy định quyền thăm con nhưng không quy đinh rõ là sau khi ly hôn người không trực tiếp nuôi con (chồng) đến thăm con bao nhiêu lần trong tháng. Khi ra tòa em có thể quy định số lần trong tháng đến thăm con được không

2. Khi ly hôn chồng tôi đến thăm nhưng có quyền đưa con tôi ra ngoài hay về nhà bên nội khi bé tròn 1 tuổi không

3. Sau khi ly hôn tôi có quyền thay tên của bé trong giấy khai sinh được không

Kính mong luật sư giải đáp dùm em. Xin cảm ơn.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn và nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được quy định Điều 81, 82 – Luật Hôn nhân gia đình 2010 như sau:

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Như vậy, sau khi Tòa án ra quyết định để chị là người trực tiếp nuôi con, nhưng chồng chị vẫn có quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên. Theo đó, chồng chị vẫn có quyền thăm nom con cái sau khi ly hôn.

Pháp luật không quy định rõ người không trực tiếp nuôi con được phép thăm con mấy lần mỗi tháng để tôn trọng sự thỏa thuận giữa hai bên vợ và chồng trong vấn đề này. Trong một số trường hợp, dựa trên những căn cứ về nhân cách, đạo đức hay những điều kiện bất lợi khác từ phía người không trực tiếp nuôi con mà bên con lại có thể yêu cầu Tòa án, hoặc Tòa án tự xem xét để đưa ra quyết định hạn chế số lần thăm con của người này.

Thông thường, số lần thăm con sẽ do hai vợ chồng thỏa thuận sao cho phù hợp với điều kiện và nhu cầu của hai bên. Khi ra Tòa, nếu chị muốn quy định số lần thăm con của chồng chị quá ít so với các trường hợp thông thường thì phải đưa ra được lý do hợp lý cho việc vì sao chồng chị chỉ nên thăm con ít lần như vậy. Nếu Tòa án chấp nhận lý do chị đưa ra và đồng ý cho yêu cầu giới hạn số lần thăm con đối với chồng chị thì chồng chị sẽ bị giới hạn số lần thăm con theo quyết định của Tòa. Còn nếu lý do chị đưa ra không được Tòa chấp nhận, việc thăm con sau ly hôn sẽ được thực hiện theo thỏa thuận của hai vợ chồng chị hoặc thực hiện theo quyết định cụ thể của Tòa án.

Việc chồng chị đến thăm con được pháp luật bảo vệ và không ai có quyền ngăn cấm việc anh này đến thăm con của mình. Vì sau khi ly hôn, tuy quan hệ hôn nhân giữa chị và chồng chấm dứt nhưng quan hệ cha con vẫn còn tồn tại. Trên cơ sở pháp luật, việc chồng chị muốn đưa con về nhà chồng thì phải thông báo và nhận được sự đồng ý của chị, nếu như chồng chị không có ý lợi dụng việc đưa con về nhà chồng để giữ luôn cháu bé thì đây được cho là hành vi thông thường khi người cha thực hiện quyền thăm nom.

Về vấn đề thay đổi họ tên cho con sau ly hôn, chị có thể tham khảo bài viết Thủ tục đổi họ tên cho con sau khi ly hôn được tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn