Cà Thị Phương

Bị lừa tiền đóng Bảo hiểm nhân thọ giải quyết như thế nào?

Làm thế nào để bảo vệ quyền lợi khi bị lợi dụng chiếm đoạt tiền đóng bảo hiểm nhân thọ?

Nội dung yêu cầu tư vấn: Chào luật sư, mẹ tôi có tham gia hai hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với công ty bảo hiểm nhân thọ, kì phí là hơn 10 triệu đồng cho mỗi hợp đồng, hai năm đầu đại lý thu tiền có ghi phiếu thu và yêu cầu mẹ tôi ký tên chỗ người nộp tiền, hai hợp đồng này thu cùng lúc, qua năm sau đó, đại lý cũng đến thu tiền nhưng lần này đại lý không cho mẹ tôi ký tên mà đòi thu tiền trước, sau đó vài ngày đại lý mới ghé đưa hóa đơn thu tiền, không yêu cầu mẹ tôi ký tên như lần trước, do mẹ tôi mắt kém nên không thấy rõ số tiền và cũng một phần tin đại lý ở chỗ quen biết từ lâu nên không kiểm tra kĩ càng.
Đến năm 2017 mẹ tôi có đến văn phòng đại diện thì nhân viên báo là có một năm mẹ tôi không nộp phí để hợp đồng lấy phí tự động đóng cho hai hợp đồng này. Nhưng năm này mẹ tôi có đóng phí đầy đủ cho đại lý tới nhà thu tiền, tôi kiểm tra giúp mẹ tôi thì thấy đại lý sửa số tiền trên phiếu thu với số tiền ít hơn số tiền thực tế nộp cho đại lý cho hai hợp đồng là hơn 3 triệu đồng.
Mẹ tôi có làm đơn khiếu nại gửi tới công ty nhưng công ty chỉ nói là căn cứ vào hóa đơn đại lý nộp về công ty mà thôi, công ty không giải quyết được, như vậy mẹ tôi bị lợi dụng sự quen biết, đại lý đã có hành vi lừa đảo chiếm số tiền hơn 16 triệu đồng.
Vậy bây giờ tôi còn giữ hóa đơn mà mẹ tôi chưa ký tên người nộp tiền thì có thể khởi kiện đại lý và công ty được không thưa luật sư?


Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau: 


Theo thông tin bạn cung cấp, mẹ bạn thực hiện giao dịch với bên đại lý mẹ bạn và mẹ bạn đã đóng đầy đủ các khoản thu bảo hiểm cho người thu tiền bảo hiểm nhân thọ của bên đại lý. Tuy nhiên, đến năm 2017 mẹ bạn đến văn phòng đại diện thì nhân viên của văn phòng đại diện có thông báo mẹ bạn có một năm không nộp phí cho hai hợp đồng bảo hiểm này., trong khi mẹ bạn xác nhận đã thanh toán đầy đủ. Do đó, để xác định người thu tiền bảo hiểm có thể bị truy cứu TNHS về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cần đáp ứng đầy đủ các dấu hiệu theo quy định tại Điều 174 Bộ Luật Hình sự năm 2015, cụ thể:


"Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản


1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:


a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;


b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;


c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;


d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ".


Theo quy định trên thì các yếu tố để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao gồm:


Về chủ thể thực hiện tội phạm: Chủ thể thực hiện tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải là người có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi và phải từ đủ 16 tuổi trở lên.


Về mặt hành vi: Mặt khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thể hiện bằng hành vi “chiếm đoạt” tài sản bằng thủ đoạn gian dối. Thủ đoạn gian dối này phải được thực hiện trước khi có việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội thì mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 


Về hậu quả và mối quan hệ nhân quả: Hậu quả của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thiệt hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Theo quy định tại điều 174 Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội phạm, còn nếu tài sản bị chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng thì phải kèm theo điều kiện gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.


Về yếu tố lỗi: Người phạm tội có lỗi cố ý trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội. 


Như vậy, nếu xét thấy cá nhân thu tiền bảo hiểm có đủ những dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên thì mẹ bạn có thể viết đơn trình báo, tố cáo với cơ quan công an nơi mẹ bạn cư trú, để phía cơ quan công an vào cuộc bảo vệ quyền lợi cho mẹ bạn. Trong trường hợp này mẹ bạn cần cung cấp cho cơ quan điều tra những chứng cứ liên quan đến giao dịch trên như các giấy tờ liên quan đến giao dịch mà mẹ bạn thực hiện với người đại lý, người làm chứng cho những lần mẹ bạn thực hiện giao dịch. Đây cũng là những căn cứ để phía cơ quan điều tra tiến hành điều tra làm rõ vụ việc trên để bảo vệ quyền lợi cho mẹ bạn.


Trong trường hợp nếu phía cơ quan điều tra và xét thấy phía đại lý có dấu hiệu của tội phạm thì phía cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với người thu tiền bảo hiểm này.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.

 CV tư vấn: Trần Thị Thìn - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn