Nguyễn Thu Trang

Bị can là gì? Khi nào bị gọi là bị can?

Trong tố tụng hình sự, nhiều người chưa hiểu rõ và chưa phân biệt được khi nào gọi là bị can, khi nào gọi là bị cáo? Vì vậy, bài viết dưới đây Luật Minh Gia sẽ làm rõ một số vấn đề pháp lý về “bị can”.

1. Bị can là gì?

Về tư cách pháp lý, bị can là một trong số những người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Quyền và nghĩa vụ của bị can là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự”.

2. Khi nào gọi là bị can?

Một người tham gia tố tụng với tư cách bị can kể từ khi có Quyết định khởi tố bị can đối với họ. Bị can thm gia vào giai đoạn điều tra, truy tố và một phần giai đoạn xét xử sở thẩm.

Tư cách tố tụng của bị can sẽ chấm dứt khi cơ quan điều tra đình chỉ điều tra; viện kiểm sát, Tòa án đình chỉ vụ án (trong giai đoạn chuẩn bị xét xử) đối với bị can, hoặc khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án.

Phân biệt với “bị cáo”: là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử.

3. Quyền của bị can

- Được biết lý do mình bị khởi tố: bị can cần phải được biết về tội danh họ bị khởi tố để đưa ra được những chứng cứ, lý lẽ phủ nhận việc buộc tội. Bị can phải được giao nhận các quyết định khởi tố bị can, trong trường hợp có sự thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can thì cũng phải giao quyết định sửa đổi bổ sung cho bị can.

- Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này: khi giao quyết định khởi tố cho bị can, cơ quan điều tra phải thông báo, giải thích cho bị can biết quyền và nghĩa vụ của họ.

- Nhận quyết định khởi tố bị can; quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; bản kết luận điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; bản cáo trạng, quyết định truy tố và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự: bị can có quyền nhận các quyết định tố tụng có liên quan đến quyền lợi của mình nhằm thực hiện tốt quyền bào chữa và các nghĩa vụ tố tụng khác của bị can. Quyết định này cũng đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải giải quyết vụ án theo đúng thủ tục pháp luật, được đưa ra dưới dạng văn bản, có căn cứ và có cơ sở pháp lý.

- Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội: Bị can có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến về những vấn đề có liên quan đến vụ án. Đây là quyền mà không phải nghĩa vụ của họ. Họ không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Trong trường hợp họ từ chối khai báo hoặc khai gian dối thì họ cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đó. Ngược lại, thái độ khai báo thành khẩn được coi là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Bị can thường trình bày về những tình tiết có lợi cho mình nhằm chứng minh là mình vô tội hoặc phạm tội nhẹ hơn tội đã bị khởi tố, đưa ra những tình tiết để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho mình. Cơ quan điều ra cần phải tôn trọng quyền trình bày lời khai của bị can để có thể xác định sự thật một cách khách quan, không phiến diện, không được dùng những biện pháp trái pháp luật để buộc tội bị can phải khai báo, điều đó là vi phạm quyền của bị can và có thể dẫn tới sai lầm trong quá trình điều tra.

- Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu: bị can có quyền cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án. Bị can cũng có quyền đưa ra những yêu cầu như yêu cầu đọc, ghi chép bản sao tài liệu của vụ án, yêu cầu điều tra lại khi không đồng ý với việc đình chỉ điều tra của cơ quan điều tra.

- Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá.

- Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật: đây là các quyền của bị can, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm xem xét, giải quyết đề nghị của bị can. Nếu không giải quyết phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Tự bào chữa, nhờ người bào chữa: bị can có quyền trình bày, dùng những lí lẽ và chứng cứ để gỡ tội và để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, kể cả việc cung cấp lời khai, đưa ra tài liệu, đồ vật,…

- Đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu.

- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng: nếu nhận thấy cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có vi phạm về tố tụng, bị can có quyền khiếu nại về quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người tiến hành tố tụng đó.

4. Nghĩa vụ của bị can

- Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải, nếu bỏ trốn thì bị truy nã. Trong trường hợp bị can được tại ngoại, khi cần triệu tập bị can để tiến hành các hoạt động điều tra hoặc các hoạt động tố tụng khác, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải triệu tập bị can bằng giấy triệu tập theo đúng thủ tục luật định, trong đó phải ghi rõ thời gian, địa điểm bị can phải có mặt. Bị can đang bị tạm giam được triệu tập thông qua ban giám thị trại tạm giam.

- Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169