Bắt cóc trẻ em để tống tiền chịu trách nhiệm hình sự thế nào?
Để giải đáp thắc mắc này của phần lớn người dân, Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn – Giám đốc công ty Luật Minh Gia (đoàn luật sư thành phố Hà Nội) tư vấn như sau:
Hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được quy định rất chi tiết tại Điều 169 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như sau:
“1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
…
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
…
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết người;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
…
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Căn cứ theo quy định pháp luật đã nêu trên, người thực hiện hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác có thể phải đối mặt với mức án tù cao nhất là phạt tù từ 15 đến 20 năm hoặc phạt tù chung thân.
Hành vi bắt cóc là hành vi xâm phạm đến quyền tự do thân thể của cá nhân, hành vi chiếm đoạt tài sản là hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác. Để bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản thì phải đảm bảo cả yếu tố bắt giữ người trái phép và yếu tố chiếm đoạt tài sản. Hai yếu tố này phải có mối quan hệ nhân quả với nhau, tức nghĩa hành vi bắt cóc này phải nhằm mục đích đe đọa, ép buộc người khác phải giao tiền hoặc tài sản cho người bắt cóc. Nếu chỉ bắt cóc nhưng không chiếm đoạt tài sản thì hành vi bắt cóc có thể cấu thành các tội phạm khác mà không phải tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Trường hợp bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản nhưng vì một lí do nào đó người thực hiện hành vi bắt cóc chưa lấy được tài sản thì người này vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản gây ra những tác động tiêu cực xấu cho sự phát triển của xã hội, gây hoang mang, lo sợ cho người dân đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ. Vì vậy, rất cần các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết nghiêm minh để tạo sức răn đe, giáo dục chung trong xã hội.
Ngoài các thông tin liên quan đến hành vi phạm tội, Luật sư Tuấn cũng đưa ra lời khuyên đặc biệt là lời khuyên cho các gia đình có con nhỏ cần chú ý đến hoạt động vui chơi, sinh hoạt của con nhỏ, đồng thời nâng cao cảnh giác nếu thấy các đối tượng bất thường tiếp cận con nhỏ để tránh xảy ra trường hợp xấu có thể xảy ra.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất