Luật sư Phùng Gái

Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự và mức BTTH do tính mạng bị xâm phạm?

Câu hỏi tư vấn: Vào tối ngày 30/1/2017 em trai em trên đường về nhà có chở thêm 2 người bạn. Thì có 1 thanh niên lưu hành ngược chiều đã đâm vào xe em trai em. Kết quả cả em trai em và cậu thanh niên đều tử vong, còn 2 người bạn của em trai em thì không sao.

 

Em trai em đã có bằng lái, bảo hiểm và giấy tờ xe đầy đủ. Còn cậu thanh niên kia thì chưa đầy đủ tuổi và không có bằng lái cũng như giấy tờ xe. Gia đình em đã đi gặp bên bảo hiểm thì bên bảo hiểm trả lời vì bên em trai em chạy đúng vì vậy chỉ chi trả an ủi mạng người là 10tr, còn lại là do bên kia.

 

 Em muốn hỏi là như vậy đúng hay sai ạ? Gia đình bên kia theo luật có phải bồi thường cho gia đình em không ạ (vì có ng nói do cả 2 bên đều chết nên chắc sẽ không bồi thường). Và nếu được bồi thường thì sẽ là bao nhiêu ạ. Em rất mong luât sư giải đáp thắc mắc giúp em ạ. Em mong sớm nhận được hồi âm ạ. Em xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định tại Nghị định 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Cụ thể:

 

Điều 13. Loại trừ bảo hiểm

 

Doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau:

 

1. Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe, hoặc của người bị thiệt hại.

 

2. Lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe cơ giới.

 

3. Lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe.

 

4. Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp như: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.

 

5. Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn.

 

6. Chiến tranh, khủng bố, động đất.

 

7. Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, tiền, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.

 

Điều 14. Nguyên tắc bồi thường

 

1. Khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho chủ xe cơ giới số tiền mà chủ xe cơ giới đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

 

Trường hợp chủ xe cơ giới chết hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại.

 

2. Trường hợp cần thiết, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng ngay những chi phí cần thiết và hợp lý trong phạm vi trách nhiệm bảo hiểm nhằm khắc phục hậu quả tai nạn.

 

Như vậy, đối chiếu với quy định trên thì nguyên tắc bồi thường là phát sinh thiệt hại, căn cứ vào mức độ lỗi của chủ phượng tiện. Theo đó, nếu thời điểm xảy ra tai nạn lỗi được cơ quan có thẩm quyền xác định hoàn toàn do bên kia, còn phía em trai bạn không vi phạm gì mặc dù em trai có tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự thì cũng không được bồi thường - tức hướng giải quyết của doanh nghiệp bảo hiểm là đúng với quy định pháp luật.

 

- Thứ hai, liên quan trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tính mạng gây ra.

 

Theo thông tin cung cấp thì do một đối tượng thanh niên điều khiển phương tiện đi ngược chiều dẫn tới tai nạn xảy ra và hậu quả là cả em trai và đối tượng thanh niên này đều đã mất. Tuy nhiên, do đối tượng gây tai nạn chưa thành niên nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ căn cứ vào quy định sau của Bộ luật dân sự năm 2015 để giải quyết. Cụ thể:

 

Điều 586. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân

 

1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

 

2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.

 

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

 

3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

 

Như vậy, trường hợp đối tượng chưa đủ 15 tuổi thì bố, mẹ của đối tượng sẽ phải đứng ra để bồi thường toàn bộ thiệt hại. Trường hợp từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì mặc dù sau khi gây tai nạn đối tượng cũng đã mất nhưng bố, mẹ sẽ phải lấy tài sản riêng của đối tượng ra để bồi thường; nếu đối tượng không có tài sản hoặc tài sản không đủ để bồi thường thì bố, mẹ đối tượng sẽ chịu trách nhiệm thanh toán tiền bồi thường. Theo đó, mặc dù đối tượng đã mất nhưng bố, mẹ có trách nhiệm đứng ra để bồi thường và mức bồi thường mà gia đình đối tượng gây tai nạn đối với gia đình bạn bao gồm các mức sau (chi phí mai táng, khoản tiền để bù đắp tinh thần cho thân nhân gia đình và mức này hai bên thỏa thuận với nhau, không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 100 tháng lương cơ sở). 

 

Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

 

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

 

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

 

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

 

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời

 

Trân trọng

CV P.Gái - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn