Nguyễn Thu Trang

Án tử hình quy định thế nào?

Trong lĩnh vực hình sự, khi nhắc đến hình phạt, chắc chắn ai cũng biết rõ hình phạt cao nhất, nặng nhất là tử hình. Án tử hình được quy định như thế nào sẽ được Luật Minh Gia trình bày dưới đây.

1. Tử hình là gì?

Khoản 1 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “1. Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định”.

Án tử hình là hình phạt chính, tước bỏ quyền sống của người bị kết án. Tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt, tước đoạt quyền sống của một người, áp dụng đối với một số tội phạm đặc biệt theo quy định. Tử hình chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội.

2. Đối tượng áp dụng hình phạt tử hình

Áp dụng với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do pháp luật quy định.

Tuy nhiên, pháp luật Hình sự Việt Nam áp dụng nguyên tắc nhân đạo không áp dụng hình phạt tử hình với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

3. Đối tượng không thi hành án tử hình

Đối với người bị kết án tử hình nếu thuộc một trong 4 loại đối tượng sau thì hình phạt tử hình không được thi hành:

- Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

- Người đủ 75 tuổi trở lên;

- Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Ttrường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.

4. Mục đích của hình phạt tử hình

Tử hình không đặt ra mục đích cải tạo và giáo dục người bị kết án nhưng vẫn có mục đích phòng ngừa riêng vì loại bỏ hoàn toàn khả năng phạm tội lại của người bị kết án. Ngoài ra, tử hình được áp dụng cũng tác động đến ý thức của người khác trong xã hội.

Hình phạt trước hết thể hiện sự lên án, sự phạt của Nhà nước, của xã hội đối với người phạm tội. Nhưng đó không phải là sự lên án, sự phạt đơn thuần mà là biện pháp ngăn ngừa họ phạm tội lại. Hình phạt tử hình còn là biện pháp đặc biệt để loại trừ điều kiện phạm tội lại của người bị kết án.

Mục đích phòng ngừa chung của hình phạt tử hình là quần chúng nhân dân hiểu biết pháp luật, thấy được sự cần thiết của việc tuân thủ pháp luật cũng như ý nghĩa xã hội của hình phạt.

5. Những tội phạm áp dụng hình phạt tử hình

Những tội phạm xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma tuý, tham nhũng và một số tội đặc biệt nghiêm trọng khác như: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hoà bình, chống loài người, tội phạm chiến tranh, tội khủng bố v.v ...

6. Quyền của người bị kết án tử hình

Sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Chánh án TAND Tối cao; bản án phải gửi ngay cho Viện trưởng VKSND Tối cao để tiến hành xem xét, quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm trong thời hạn 2 tháng.

Đồng thời, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước. Trong trường hợp được ân giảm thì hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân.

Tử hình được hoãn thi hành nếu ngay trước khi thi hành người chấp hành án khai báo những tình tiết mới về tội phạm.

7. Hình thức thi hành án tử hình

Trước đây, pháp luật quy định thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn. Thực tiễn thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn tồn tại nhiều hạn chế như: chi phí thi hành án lớn, gây áp lực, ám ảnh tâm lý cho những người thực hiện thi hành án, thân nhân của người bị xử bắn khi nhận lại xác người thân về tiến hành mai táng theo phong tục,…

Hiện nay thi hành án tử hình được thực hiện bằng tiêm thuốc độc, thủ tục thực hiện việc tiêm thuốc độc do Chính phủ quy định tại Nghị định 43/2020/NĐ-CP. Thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người chấp hành án có thể được nhận tử thi của người chấp hành án để an táng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Tư vấn nhanh