Cao Thị Hiền

Ai là người có quyền nuôi con sau khi ly hôn?

Ai là người có quyền nuôi con sau khi ly hôn là câu hỏi được nhiều cha mẹ quan tâm. Để đảm bảo cho trẻ em có một cuộc sống đầy đủ, đảm bảo sự phát triển toàn diện pháp luật đã có những quy định cụ thể về việc xác định người có quyền nuôi con sau ly hôn.

Nội dung yêu cầu tư vấn: Thưa luật sư! hôm nay tôi viết bài mail này kính mong đc luật sư tư vấn giúp ạ. Tôi sinh năm 1988, hiện tại tôi có 3 cháu, 2 gái và 1 trai.cháu lớn 5 tuổi, cháu thứ 2 gần 4 tuổi và cháu thứ 3 được 16 tháng. Tôi là giáo viên mầm non công chức được 1 năm rồi, chồng tôi cũng sinh năm 1988, làm công nhân tự do, công việc bấp bênh chưa ổn định. Vợ chồng tôi thường xuyên cãi vã nhau, bất đồng quan điểm ko thể tương hợp được, cũng đã nhiều lần rạn nứt đi đến quyết định ly hôn nhưng vì thương con nên lại thôi. Sau những lần rạn nứt đó, đến giờ cuộc sống 2 vợ chồng cũng không cải thiện hơn chút nào, vì thế lần này chúng tôi lại quyết định ly hôn. Vậy, nếu như chúng tôi ly hôn thì theo luật tôi có quyền được nuôi cả 3 đứa con không ạ?nguyện vọng duy nhất của tôi là được nuôi cả 3 đứa con.rất mong nhận được sự tư vấn của luật sư ạ.trân thành cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Luật Minh Gia, với vướng mắc của bạn chúng tôi giải đáp như sau:

Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Như vậy, theo quy định của pháp luật, trường hợp các bên không thỏa thuận được về người trực tiếp nuôi con, tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, nguyện vọng của con…để xác định người trực tiếp nuôi con.

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn có 03 người con, 3 cháu, 2 gái và 1 trai: cháu lớn 5 tuổi, cháu thứ 2 gần 4 tuổi và cháu thứ 3 được 16 tháng, đối chiếu với quy định nêu trên, tòa án xác định quyền nuôi con như sau:

Đối với hai con 4 tuổi và 5 tuổi: Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con để quyết định người trực tiếp nuôi con.

Khoản 1 Điều 6 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP quy định về tiêu chí đánh giá quyền lợi về mọi mặt của con như sau:

“1. Khi xem xét “quyền lợi về mọi mặt của con” quy định tại khoản 2 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình phải đánh giá khách quan, toàn diện các tiêu chí sau đây:

a) Điều kiện, khả năng của cha, mẹ trong việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, bao gồm cả khả năng bảo vệ con khỏi bị xâm hại, bóc lột;

b) Quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi, được duy trì mối quan hệ với người cha, mẹ không trực tiếp nuôi;

c) Sự gắn bó, thân thiết của con với cha, mẹ;

d) Sự quan tâm của cha, mẹ đối với con;

đ) Bảo đảm sự ổn định, hạn chế sự xáo trộn môi trường sống, giáo dục của con;

e) Nguyện vọng của con được ở cùng với anh, chị, em (nếu có) để bảo đảm ổn định tâm lý và tình cảm của con;

g) Nguyện vọng của con được sống chung với cha hoặc mẹ.”

Theo đó, Tòa án sẽ căn cứ vào các tiêu chí sau: điều kiện, khả năng của bạn trong việc nuôi con; quyền của con được chung sống trực tiếp với người nuôi; nguyện vọng của con…để xác định bạn có đủ điều kiện nuôi con hay không.

Đối với con 16 tháng tuổi: Tòa án sẽ giao con cho mẹ nuôi trừ trường hợp mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Khoản 3,4 Điều 6 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP quy định trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con như sau:

“3. “Người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con” quy định tại khoản 3 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình là trường hợp người mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị bệnh nặng khác mà không thể tự chăm sóc bản thân hoặc không thể trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

Ví dụ: Trường hợp người mẹ bị đột quỵ và liệt nửa người, không còn khả năng đi lại thì Tòa án không giao con dưới 36 tháng tuổi cho người mẹ trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

b) Có thu nhập mỗi tháng thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người mẹ đang cư trú và không có tài sản nào khác để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

c) Người mẹ không có điều kiện về thời gian tối thiểu để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

4. Trường hợp điều kiện trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của người cha không tốt hơn điều kiện của người mẹ hướng dẫn tại khoản 3 Điều này thì Tòa án quyết định giao con cho mẹ trực tiếp nuôi.”

Như vậy, để đảm bảo được quyền nuôi con dưới 16 tháng tuổi, bạn phải không thuộc một trong các trường hợp quy định nêu trên như không mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh nặng khác mà không thể tự chăm sóc bản thân hoặc không thể trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con…

Trân trọng!                   

Phòng luật sư tư vấn – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169