Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Trả lại hồ sơ liên quan khi hết hạn hợp đồng lao động

Theo quy định của pháp luật, khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của người lao động cũng như trả lại hồ sơ, giấy tờ đã giữ của người lao động. Tuy vậy, có rất người sử dụng chây ỳ trong việc trả lại hồ sơ giấy tờ cho người lao động. Vậy khi người lao động rơi vào trường hợp này sẽ phải xử lý như thế nào? Luật Minh Gia sẽ giải đáp thông qua tình huống sau:

Nội dung yêu cầu tư vấn:

Tôi đang làm giáo viên dạy lái xe cho 1 công ty tại Hà Nội. Vào đầu tháng 10 năm 2020 , tôi có làm đơn xin việc dạy lái xe tại công ty trên, khi vào họ yêu cầu tôi thế chấp 8 triệu đồng (phương án 1), nếu không có đủ 8 triệu thì thế chấp 5 triệu và kèm theo hồ sơ gốc lái xe (phương án 2), bằng tốt nghiệp PTTT, nên tôi đã thế chấp 5 triệu + hồ sơ gốc lái xe + bằng tốt nghiệp PTTH. Trong hợp đồng thử việc hoàn toàn không có ghi gì về vấn đề thế chấp tiền và hồ sơ gốc lái xe + bằng tốt nghiệp PTTH. Tôi bắt đầu thử việc từ ngày 10 tháng 10 năm 2020 và hết hạn thử việc vào ngày 10 tháng 1 năm 2021. Tôi vẫn làm tiếp tục tới hôm nay, nhưng không có hợp đồng chính thức. Nay tôi muốn xin công ty nghỉ việc vì lương quá thấp.

Vậy tôi xin nhờ Quý Anh ,Chị Công ty Luật Minh Gia  tư vấn giúp tôi mấy vấn đề  sau:

Công ty giữ tiền và hồ sơ gốc + bằng tốt nghiệp của tôi như thế là đúng hay sai ?

Nếu tôi làm đơn xin nghỉ trước 30 ngày được họ chấp nhận hay là tôi chỉ cần báo trước 1 tuần thôi ?

Tôi có được rút tiền thế chấp hay không hay là phải chờ tới 3 tháng sau ngày nghỉ theo như chị kế toán đã viết trong phiếu thu, hoặc tôi muốn rút hồ sơ gốc và bằng tốt nghiệp ra trước, rồi tiền lấy sau có được không? Trong trường hợp xấu nhất xảy ra như trên thì tôi sẽ phải nhờ đến cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết cho tôi?

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đề Luật Minh Gia, với yêu cầu của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về giao kết hợp đồng lao động

Theo Điều 27 Bộ luật lao động 2019 quy định khi kết thúc thời gian thử việc, người lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động. Theo án lệ 20/2018/AL, khi hết thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động và người lao động không có thỏa thuận nào khác thì trong trường hợp này người lao động và người sử dụng lao động đã xác lập quan hệ lao động.

Dựa trên thông tin bạn cung cấp, bạn vẫn tiếp tục làm việc cho công ty sau khi hết thời gian thử việc mà không có thỏa thuận nào khác. Như vậy, bạn và công ty đã xác lập quan hệ lao động.

Thứ hai, về việc công ty giữ tiền và hồ sơ gốc + bằng tốt nghiệp

Theo Điều 17 Bộ luật lao động 2019 quy định hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết thực hiện hợp đồng lao động như sau:

“1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.”

Như vậy, công ty giữ hồ sơ gốc lái xe, bằng tốt nghiệp PTTH, cũng như yêu cầu bạn phải thế chấp 5 triệu đồng là trái với quy định của pháp luật. Bạn có thể liên hệ công ty để nhận lại hồ sơ gốc lái xe, bằng tốt nghiệp, PTTH và nhận lại tiền. Trong trường hợp công ty không trả lại, bạn có thể giải quyết thông qua các cách sau:

Theo Khoản 2,3 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động như sau:

“2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng hoặc chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động;

b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động;

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

d) Buộc người sử dụng lao động trả lại bản chính giấy tờ tùy thân; văn bằng; chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

đ) Buộc người sử dụng lao động trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.”

Trên đây là mức phạt đối với cá nhân, đối với hành vi vi phạm của tổ chức, mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Bạn có thể gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền như UBND, thanh tra lao động để yêu cầu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm của công ty, đồng thời buộc khắc phục hậu quả là trả lại hồ sơ gốc, trả tiền và trả lãi đối với số tiền công ty đã giữ của bạn. Hoặc bạn có thể làm đơn khởi kiện gửi đến tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đóng trụ sở yêu cầu giải quyết.

Thứ ba, về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

Theo khoản 1 Điều 35 Bộ luật lao động 2019 quy định như sau:“1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;

d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.”

Theo đó, để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, bạn cần phải thông báo cho công ty ít nhất 30 ngày làm việc.

Trân trọng!

Phòng tư vấn – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn