Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Quy định về cho thuê lại lao động

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, nhu cầu cho thuê lại lao động và thuê lại lao động ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, xét về góc độ pháp lý, quan hệ cho thuê lại lao động khá phức tạp và có nhiều bên liên quan.

1. Khái niệm cho thuê lại lao động

Theo quy định Điều 52 Bộ luật lao động 2019, cho thuê lại lao động là việc người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động. 

Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ được thực hiện bởi các doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động và áp dụng đối với một số công việc nhất định.

2. Doanh nghiệp cho thuê lại lao động

Doanh nghiệp cho thuê lại lao động là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, có tuyển dụng, giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Sau đó, doanh nghiệp này sẽ chuyển người lao động sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác nhưng không làm mất đi quan hệ lao động giữa chính doanh nghiệp mình và người lao động đó.  

Doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải ký quỹ và được cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.

2.1. Ký quỹ

Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì doanh nghiệp cho thuê lại lao động thực hiện ký quỹ tại ngân hàng nhận ký quỹ (gồm: ngân hàng thương mại của Việt Nam hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạn đồng hợp pháp tại Việt Nam) với mức ký quỹ là 02 tỷ đồng.

Tiền ký quỹ được sử dụng vào mục đích thanh toán tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các chế độ khác đối với người lao động thuê lại theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của doanh nghiệp cho thuê lại hoặc bồi thường cho người lao động thuê lại trong trường hợp doanh nghiệp cho thuê lại vi phạm hợp đồng lao động với người lao động thuê lại hoặc gây thiệt hại cho người lao động thuê lại do không bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thuê lại.

2.2. Điều kiện cấp giấy phép cho thuê lại lao động

Để có thể được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 21 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:

Thứ nhất, điều kiện về nhân thân của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện cho thuê lại lao động:

  • Là người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
  • Không có án tích;
  • Đã có thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý về cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động từ đủ 03 năm (36 tháng) trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.

Thứ hai, điều kiện đối với doanh nghiệp: Đã thực hiện ký quỹ 02 tỷ đồng theo quy định về ký quỹ đối với doanh nghiệp cho thuê lại lao động.

2.3. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động

Khi đáp ứng các điều kiện nêu trên, doanh nghiệp cho thuê lại lao động cần chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp giấy phép gửi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động bao gồm:

- Văn bản đề nghị cấp giấy phép của doanh nghiệp (Mẫu số 05/PLIII Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP).

- Bản lý lịch tự thuật của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (Mẫu số 07/PLIII Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP).

- Phiếu lý lịch tư pháp số 1 của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. (Trường hợp người đại diện là người nước ngoài không thuộc đối tượng cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1 thì được thay thế bằng phiếu lý lịch tư pháp tại quốc gia mang quốc tịch.)

Lưu ý: Lý lịch tư pháp/ phiếu lý lịch tư pháp được cấp trước ngày nộp hồ sơ không quá 06 tháng. Văn bản bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt, chứng thực và được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định pháp luật.

- Văn bản chứng minh thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý về cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là một trong các loại văn bản sau:

  • Bản sao được chứng thực từ bản chính hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc hoặc quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm, giao nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
  • Bản sao được chứng thực từ bản chính quyết định bổ nhiệm (đối với người làm việc theo chế độ bổ nhiệm) hoặc văn bản công nhận kết quả bầu (đối với người làm việc theo chế độ bầu cử) của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với trường hợp là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cho thuê lại hoặc cung ứng lao động).

Lưu ý: Các văn bản nêu trên là văn bản của nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt, chứng thực và được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định pháp luật.

- Giấy chứng nhận tiền ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động theo Mẫu số 01/PLIII Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

2.4. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động

Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ

 Doanh nghiệp chuẩn bị và gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền xử lý, thẩm định hồ sơ

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận và cấp giấy biên nhận ghi rõ ngày, tháng, năm nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy phép (nếu hồ sơ đầy đủ giấy tờ theo quy định).

- Thời gian xử lý hồ sơ kéo dài từ 30 - 40 ngày làm việc. Trong thời gian này, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có thể yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ nếu cần thiết (trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ).

Bước 3: Tiếp nhận kết quả

- Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động (do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cấp theo hồ sơ trình của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

- Hoặc, văn bản trả lời về việc không cấp giấy phép cho doanh nghiệp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Lưu ý: Doanh nghiệp thuộc một trong những trường hợp sau đây sẽ không được cấp giấy phép:

- Không bảo đảm điều kiện cấp giấy phép (nêu tại phần 2.2);

- Đã sử dụng giấy phép giả để hoạt động cho thuê lại lao động;

- Có người đại diện theo pháp luật đã từng là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép vì những lý do dưới đây trong 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động:

  • Cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép;
  • Cho thuê lại lao động để thực hiện công việc không thuộc danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP;
  • Doanh nghiệp cho thuê lại có hành vi giả mạo các văn bản trong hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, cấp lại giấy phép hoặc tẩy xóa, sửa chữa nội dung giấy phép đã được cấp hoặc sử dụng giấy phép giả.

- Có người đại diện theo pháp luật đã từng là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sử dụng giấy phép giả.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn