Nguyễn Nhàn

Kế toán là gì? Trách nhiệm của kế toán quy định thế nào?

Kế toán có thể nói là một bộ phận nòng cốt trong việc quản lý tình hình thu-chi của doanh nghiệp. Không chỉ có vậy, hiện nay trong xu thế nền kinh tế hội nhập và phát triển, kế toán cũng đồng thời trở thành một công cụ đắc lực giúp Nhà nước quản lý nền kinh tế. Vậy cụ thể kế toán là gì, nhiệm vụ của kế toán là gì, kính mời bạn đọc cùng Luật Minh Gia tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây:

1. Kế toán là gì?

Theo khoản 8 Điều 3 Luật Kế toán năm 2015 quy định: “Kế toán là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính dưới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động”.

Theo đó, có thể hiểu kế toán là việc thực hiện các quy trình thu thập, xử lý các thông tin, dữ liệu về kinh tế, tổng hợp dữ liệu thông qua bản báo cáo kế toán. Các dữ liệu đã được xử lý sẽ giúp cho chủ doanh nghiệp có thể theo dõi và cập nhật thường xuyên tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Vai trò và trách nhiệm của kế toán

Đối với doanh nghiệp, kế toán đóng góp một phần công sức vào việc nâng cao hiệu quả quản lý nhờ vào sự kiểm soát và hạn chế được tình trạng thiếu hụt tài chính. Công việc của kế toán phải làm là theo dõi xuyên suốt quá trình hoạt động của công ty, kiểm tra, phân tích thông tin, số liệu kế toán một cách phù hợp, cụ thể. Từ đó, thống kê, tổng kết để đưa ra được báo cáo kết quả cuối cùng giúp ban lãnh đạo công ty nắm rõ tình hình hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời, kế toán cũng góp phần hoạch định kế hoạch làm việc đạt hiệu quả hơn.

Theo Điều 4 Luật Kế toán năm 2015 quy định về nhiệm vụ của kế toán, theo đó, kế toán chịu trách nhiệm:

“1. Thu thập, xử lý thông tin, số liệu kế toán theo đối tượng và nội dung công việc kế toán, theo chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.

2. Kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi tài chính, nghĩa vụ thu, nộp, thanh toán nợ; kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản và nguồn hình thành tài sản; phát hiện và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán.

3. Phân tích thông tin, số liệu kế toán; tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán.

4. Cung cấp thông tin, số liệu kế toán theo quy định của pháp luật”.

Căn cứ quy định pháp luật nêu trên, có thể nói nhiệm vụ quan trọng nhất của kế toán là luôn phải đảm bảo duy trì các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp ở mức ổn định, bên cạnh đó, kế toán có các nhiệm vụ chính sau:

a) Thực hiện hạch toán các nghiệp vụ phát sinh tại doanh nghiệp

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ không tránh khỏi những nghiệp vụ phát sinh, để đảm bảo những phát sinh ấy luôn được theo dõi và xử lý kịp thời trong bảng cân đối kế toán thì kế toán cần thực hiện các nghiệp vụ như:

- Thực hiện kế toán vốn bằng tiền: Kế toán sẽ sử dụng các loại tài khoản để thực hiện kế toán như tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, tiền đang chuyển;

- Thực hiện kế toán vốn bằng tài sản cố định: Kế toán sẽ ghi chép và xử lý các dữ liệu mua bán phát sinh hay sửa chữa tài sản cố định;

- Thực hiện kế toán công nợ;

- Thực hiện kế toán doanh thu;

- Thực hiện kế toán chi phí sản xuất kinh doanh dở dang;

b) Thực hiện lập báo cáo chứng từ

Chứng từ được hiểu là một dạng thông tin với vai trò chứng thực cho các hoạt động mua bán, trao đổi diễn ra trong quá trình hoạt động, sản xuất của doanh nghiệp, đây đồng thời cũng là căn cứ để doanh nghiệp thực hiện hạch toán, thanh toán hay ghi chép các nghiệp vụ kinh tế phát sinh.

Báo cáo chứng từ bao gồm những nội dung chính như: Thông tin những loại hóa đơn, chứng từ liên quan đến việc buôn bán, vận chuyển, nhập khẩu hàng hóa.

c) Phân tích, đánh giá tình hình tài chính

Kế toán thực hiện đánh giá cụ thể về tình hình tài chính của doanh nghiệp thông qua việc tổng hợp các dữ liệu, đồng thời nghiên cứu thị trường để đưa ra bản phân tích tài chính cho doanh nghiệp. Để thực hiện nhiệm vụ này, kế toán thực hiện các công việc sau:

- Phân tích kết cấu tài sản và kết cấu nguồn vốn;

- Đánh giá kết cấu nguồn vốn;

- Phân tích vốn lưu động ròng;

- Phân tích tình hình diễn biến nguồn vốn và sử dụng vốn.

d) Tham mưu, đề xuất các giải pháp

Bên cạnh việc thực hiện những nghiệp vụ kế toán thì kế toán có trách nhiệm tham mưu, đề xuất ý kiến cùng các giải pháp cải thiện tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp có thể thường xuyên theo dõi và đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh.

3. Những hành vi mà kế toán bị nghiêm cấm

Theo quy định tại Điều 13 Luật Kế toán năm 2015, kế toán bị nghiêm cấm các hành vi sau:

- Giả mạo, khai man hoặc thỏa thuận, ép buộc người khác giả mạo, khai man, tẩy xóa chứng từ kế toán hoặc tài liệu kế toán khác.

- Cố ý, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật.

- Để ngoài sổ kế toán tài sản, nợ phải trả của đơn vị kế toán hoặc có liên quan đến đơn vị kế toán.

- Hủy bỏ hoặc cố ý làm hư hỏng tài liệu kế toán trước khi kết thúc thời hạn lưu trữ quy định tại Điều 41 của Luật này.

- Ban hành, công bố chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán không đúng thẩm quyền.

- Mua chuộc, đe dọa, trù dập, ép buộc người làm kế toán thực hiện công việc kế toán không đúng với quy định của Luật này.

- Người có trách nhiệm quản lý, điều hành đơn vị kế toán kiêm làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ, trừ doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu.

- Bố trí hoặc thuê người làm kế toán, người làm kế toán trưởng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 51 và Điều 54 của Luật này.

- Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ kế toán viên, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán dưới mọi hình thức.

- Lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên hoặc cung cấp, công bố các báo cáo tài chính có số liệu không đồng nhất trong cùng một kỳ kế toán.

- Kinh doanh dịch vụ kế toán khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc hành nghề dịch vụ kế toán khi không bảo đảm điều kiện quy định của Luật này.

- Sử dụng cụm từ “dịch vụ kế toán” trong tên gọi của doanh nghiệp nếu đã quá 06 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà vẫn không được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc doanh nghiệp đã chấm dứt kinh doanh dịch vụ kế toán.

- Thuê cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện hành nghề, điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán cung cấp dịch vụ kế toán cho đơn vị mình.

- Kế toán viên hành nghề và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán thông đồng, móc nối với khách hàng để cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật.

- Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kế toán.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn