Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Bồi thường tai nạn lao động do bên thứ 3 gây ra?

Thông thường, đối với những tai nạn lao động xảy ra ngoài cơ sở sản xuất, kinh doanh, có một số tai nạn do bên thứ ba gây ra. Trong trường hợp này, người lao động được hưởng những quyền lợi gì? Ai phải chịu trách nhiệm? Mời bạn đọc cùng tìm huống tình huống thực tế sau đây của Luật Minh Gia

Câu hỏi tư vấn: Tôi là A là công nhân công ty TNHH MTV X, vào ngày 30/12/201x trong khi tôi đang làm vệ sinh thì bị một xe ô tô 4 chỗ ngồi đâm vào khiến tôi bị gãy tay, chân và bị gãy xương đòn phía bên phải và những chấn thương khác. Qua quá trình điều trị thì hiện nay sức khỏe không còn được như trước bên cạnh đó xương đòn vai của tôi không thể liền được. Theo kết luật tôi bị suy giảm 70% khả năng lao động. Tôi là một công nhân chồng mất sớm, mình tôi nuôi hai con nhỏ vì vậy tôi là trụ cột của gia đình vì vậy tôi mong luật sư có thể tư vấn cho tôi về trách nhiệm của công ty, người gây tai đối với tôi như thế nào để đảm bảo quyền lợi của tôi. Tôi xin cám ơn.

Nội dung tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn là công nhân của công ty TNHH MTV X, trong khi bạn đang làm việc (làm vệ sinh) thì bị một xe ô tô 4 chỗ đâm vào khiến bạn bị thương. Trong trường hợp này, bạn sẽ được nhận được các khoản tiền bồi thường, trợ cấp từ phía công ty, bảo hiểm xã hội và người gây tai nạn. Cụ thể như sau: 

Thứ nhất, phía công ty

Theo quy định tại Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, khi bị tai nạn lao động, công ty có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ (tài chính) đối với bạn bao gồm: 

(1) Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho bạn như sau:

Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả, nếu bạn tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Ngược lại, nếu bạn không tham gia BHYT thì công ty phải thanh toán toàn bộ chi phí y tế cho bạn. 

(2) Trả đủ tiền lương cho bạn trong thời gian bạn phải nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động;

(3) Bồi thường tai nạn lao động 

- Nếu tai nạn xảy ra do lỗi của người lái xe ô tô hoặc không xác định được người gây tai nạn. Trường hợp của bạn, tỷ lệ suy giảm khả năng lao động là 70% thì mức bồi thường được tính như sau: 

Mức bồi thường = 1,5 tháng tiền lương + (70-10) x 0,4 tháng tiền lương

                           = 25,5 tháng tiền lương

- Nếu tai nạn xảy ra hoàn toàn do lỗi của bạn thì công ty chỉ bồi thường với mức bằng 40% mức bồi thường ở trường hợp trên là: 10,2 tháng tiền lương.

Lưu ý: Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ nêu trên là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

Ngoài ra, bạn vẫn được hưởng những quyền lợi khác theo quy định tại Điều 38 nêu trên. 

Thứ hai, về phía Bảo hiểm xã hội

Theo quy định tại Điều 49 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, bạn thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng. Mức trợ cấp được tính như sau:

Mức trợ cấp = 30% mức lương cơ sở + (70 - 31) x 2% mức lương cơ sở

                    = 108% mức lương cơ sở

                    = 194.400.000 đồng (Mức lương cơ sở hiện nay là: 1.800.000 đồng)

Ngoài ra, hàng tháng, bạn còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm tai nạn lao động. Theo đó, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động

Ngoài ra, theo quy định tại Luật An toàn vệ sinh lao động, bạn có thể được hưởng trợ cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (Điều 51); trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật (Điều 54). 

Thứ ba, phía người gây tai nạn

Theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015, người gây tai nạn khi gây thiệt hại về sức khỏe cho bạn thì có thể phải bồi thường những khoản tiền như sau: 

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của bạn;

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của bạn;

- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc bạn trong thời gian điều trị; nếu bạn mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc bạn;

- Tổn thất tinh thần: Mức bồi thường do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Tuy nhiên, mức bồi thường còn phải căn cứ vào phần lỗi, tài sản, hoàn cảnh thực tế của mỗi bên. 

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn