Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Xử phạt với hành vi tổ chức xây dựng gây sụt lún nhà ở bên cạnh

Tổ chức thi công xây dựng là gì? Trình tự, thủ tục tổ chức thi công xây dựng theo quy định pháp luật? Trường hợp tổ chức xây dựng gây sụt lún nhà ở bên cạnh thì bị xử lý nh thế nào? Luật Minh Gia tư vấn những vấn đề này như sau:

1. Luật sư tư vấn tổ chức thi công xây dựng

Thi công xây dựng là thực hiện một tổng thể các quá trình sản xuất trong phạm vi công trường, nhằm mục đích thao dỡ, cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các công trình xây dựng. Theo đó, việc tổ chức thi công xây dựng phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục luật định, đúng bản thiết kế, kỹ thuận, quy chuẩn xây dựng, đảm bảo chất lượng công trình xây dựng để không làm gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận hoặc gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng cho người khác.

Trong trường hợp bạn có vướng mắc liên quan đến việc tổ chức thi công xây dựng như thế nào cho phù hợp quy định, mức độ xử phạt và trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi thi công xây dựng gây sụt lún thì bạn có thể gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia để được chúng tôi hỗ trợ.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Xử phạt với hành vi tổ chức xây dựng gây sụt lún nhà ở bên cạnh

Câu hỏi: Chào luật sư, nhà tôi nằm gần kênh đang thi công dự án cải tạo và dự án đó đã gây sụt lún nhà tôi. Hiện nay, dự án đã hoàn thành và qua thỏa thuận nhiều lần với nhà thầu nhưng vẫn chưa thành công do nhà thầu chi trả số tiền bồi thường không hợp lí.

Vậy tôi xin được luật sư phân tích và giải đáp hộ tôi trong trường hợp này tôi phải khiếu nại ở đâu, như thế nào? Liệu có thể kiện ra tòa án quận để được sự giải quyết hợp lí không? Nếu kiện ra tòa thì mọi chi phí do tôi hay nhà thầu chi trả? Và chi tiết vụ kiện này như toàn bộ chi phí, thủ tục ra sao?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Về xử phạt hành chính đối với việc tổ chức thi công xây dựng

Theo quy định tại Khoản 3, điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP về tổ chức thi công xây dựng:

“3. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận (mà các bên không thỏa thuận được việc bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự); gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn hoặc công trình xây dựng khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này;

b) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.

Điểm c Khoản 11 Điều 15  Nghị định 39/2017/NĐ-CP quy định về biện pháp khắc phục hậu quả:

“c) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này;

Nếu nhà thầu là đơn vị tổ chức thi công xây dựng và bên thi công xây dựng thực hiện việc xây dựng theo như đúng bản thiết kế và không trái quy định về kỹ thuật, quy chuẩn xây dựng thì lỗi trong trường hợp này thuộc về đơn vị tổ chức thi công xây dựng. Và đơn vị tổ chức thi công xây dựng sẽ bị xử phạt hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP nêu trên.

Về xử lý bồi thường thiệt hại với trường hợp thi công công trình gây sụt lún công trình lân cận

Điều 3 Thông tư 03/2018/TT-BXD quy định về áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại quy định tại điểm c khoản 11 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP:

“1. Việc bồi thường thiệt hại do Chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì việc bồi thường thiệt hại được giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự.

2. Trường hợp gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận thì chủ đầu tư phải dừng thi công xây dựng công trình và có biện pháp di dời ngay người và tài sản của công trình lân cận. Chủ đầu tư có trách nhiệm thuê và trả chi phí thuê nhà ở cho bên bị thiệt hại. Nhà được thuê phải đảm bảo các yếu tố về khoảng cách đi lại, diện tích, hạ tầng xã hội để bên bị thiệt hại ổn định cuộc sống. Nếu bên bị thiệt hại tự tìm chỗ ở (tương đương nơi ở bị ảnh hưởng) thì chủ đầu tư có trách nhiệm trả cho bên bị thiệt hại số tiền tương ứng với số tiền thuê nhà và chi phí di chuyển tài sản.

3. Sau khi biên bản vi phạm hành chính được lập, Chủ đầu tư và bên bị thiệt hại không tự thỏa thuận được về việc bồi thường thiệt hại và một bên có đơn yêu cầu gửi Chủ tịch UBND cấp xã giải quyết thì được thực hiện theo trình tự như sau:

a) Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức thỏa thuận lần đầu;

b) Hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày thỏa thuận lần đầu không thành hoặc không tổ chức được thỏa thuận lần đầu do một trong các bên vắng mặt, Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức thỏa thuận lần hai;

c) Tại buổi thỏa thuận lần hai mà một trong các bên vắng mặt không có lý do chính đáng thì Chủ tịch UBND cấp xã quyết định thuê tổ chức tư vấn, có tư cách pháp nhân để xác định mức bồi thường thiệt hại. Chi phí thuê do Chủ đầu tư chi trả. Sau khi xác định mức bồi thường thiệt hại, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm yêu cầu Chủ đầu tư chuyển tiền vào tài khoản bảo lãnh tại ngân hàng do UBND cấp xã làm chủ tài khoản. Chủ đầu tư chỉ được tiếp tục thi công xây dựng sau khi đã chuyển đủ số tiền vào tài khoản bảo lãnh tại ngân hàng;

d) Tại buổi thỏa thuận lần hai mà hai bên không thống nhất được mức bồi thường thiệt hại thì hai bên thống nhất thuê một tổ chức tư vấn, có tư cách pháp nhân để xác định mức bồi thường thiệt hại. Trường hợp hai bên không thống nhất về tổ chức tư vấn được thuê hoặc mức bồi thường thiệt hại do tổ chức tư vấn được thuê xác định thì Chủ tịch UBND cấp xã thuê một tổ chức tư vấn xác định mức bồi thường thiệt hại. Chi phí thuê do Chủ đầu tư chi trả. Căn cứ kết quả xác định mức bồi thường thiệt hại, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm yêu cầu Chủ đầu tư chuyển tiền vào tài khoản bảo lãnh tại ngân hàng do UBND cấp xã làm chủ tài khoản. Chủ đầu tư chỉ được tiếp tục thi công xây dựng sau khi đã chuyển đủ số tiền vào tài khoản bảo lãnh tại ngân hàng;

đ) Trường hợp một bên không thống nhất với mức bồi thường thiệt hại thì có quyền khởi kiện tại Tòa án.…”

Như vậy nếu các bên không tự thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã giải quyết. Ủy ban nhân dân xã tổ chức cho các bên thỏa thuận, trường hợp sau khi đã xác định mức bổi thường ở Ủy ban nhân dân cấp xã mà một bên vẫn không thống nhất với mức bồi thường thì có thể khởi kiện tại Tòa án.

Chi phí thuê tổ chức tư vấn khi tổ chức thỏa thuận mức bồi thường do Chủ đầu tư chi trả. Trường hợp bạn không đồng ý với mức bồi thường thì có thể khởi kiện tại Tòa án, tiền tạm ứng án phí do bạn nộp, nếu toàn bộ yêu cầu của bạn không được Tòa án chấp nhận thì tiền tạm ứng án phí do bạn phải chịu.

Về thủ tục khởi kiện thì bạn gửi đơn khởi kiện kèm theo các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình đến Tòa án nhân dân huyện nơi công ty là Chủ đầu tư có trụ sở. Tòa sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, bạn có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn giải quyết tranh chấp Tòa án sẽ tiến hành hòa giải, nếu hòa giải không thành thì mới quyết định đưa vụ án ra xét xử. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169