LS Thanh Hương

Xử lý như thế nào khi có yếu tố lừa dối trong giao kết hợp đồng thuê đất?

Luật sư tư vấn về cách xử lý khi có yếu tố lừa dối trong hợp đồng thuê đất.

Nội dung đề nghị tư vấn

Tôi xin được hỏi như sau: năm 2013 tôi có ký một hợp đồng thuê đất viết tay không có công chứng với thời hạn 3 năm, sau đó tôi đã đầu tư dựng quán để bán hàng. Tôi ở được 2 năm 4 tháng thì có một công ty làm đường đến yêu cầu phải di rời vì khu đất tôi đang ở thuộc khu vực giải phóng mặt bằng đã bị thu hồi và chủ đất đã nhận tiền đền bù từ năm 2010. Vì là người ở xa tới nên trước đó tôi hoàn toàn không biết về thông tin này và vì bên cho thuê luôn khẳng định là đất chưa đền bù. Tôi đã thanh toán tiền thuê đủ hai năm và đã xây dựng cơ sở để bán hàng. Vậy tôi xin hỏi luật sư trong trường hợp này tôi có thể kiện bên cho thuê hành vi vi phạm hợp đồng dân sự và lừa đảo không? Xin luật sư tư vấn giúp tôi. Tôi xin cảm ơn! 
 
Trả lời
 
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:
 
Vào năm 2013 là thời điểm Luật đất đai 2003 có hiệu lực có quy định về hợp đồng thuê đất phải được công chứng, theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 128 Luật đất đai 2003. Tuy nhiên thực tế hai bên không đem hợp đồng đi công chứng, như vậy hợp đồng thuê vi phạm pháp luật về hình thức. Theo Điều 134 Bộ luật dân sự 2005, hợp đồng không tuân thủ quy định về hình thức là vô hiệu :
 
Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu.
 
Ngoài ra, bạn cho biết bên cho thuê đã nhận tiền bồi thường từ năm 2010 nhưng khi ký hợp đồng thuê lại không nhắc tới chuyện này với bạn. Như vậy, có dấu hiệu của sự lừa dối trong khi hai bên thực hiện giao dịch. Theo quy định tại Điều 132 Bộ luật dân sự 2005 thì hợp đồng do bị lừa dối là vô hiệu:
 
Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Đe dọa trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình.
 
Hậu quả pháp lý đối với hợp đồng vô hiệu được quy định tại Khoản 2 Điều 137 Bộ luật dân sự:
 
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.
 
Căn cứ theo quy định trên, bên cho thuê phải trả lại số tiền thuê 6 tháng mà bạn không được tiếp tục sử dụng đất theo hợp đồng thuê là 3 năm.
 
Tuy nhiên, thời hiệu để yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu đối với trường hợp của bạn là 2 năm kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực. Bạn đã giao kết hợp đồng từ năm 2013 và tính đến thời điểm hiện tại là gân 2 năm. Do đó, bạn cần mau chóng gửi đơn yêu cầu tới nơi có bất động sản yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự với 2 lý do trên.


Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Xử lý như thế nào khi có yếu tố lừa dối trong giao kết hợp đồng thuê đất?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV Khánh Linh - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo