Nhà nước thu hồi đất nuôi trồng thuỷ sản đền bù thế nào?
Mục lục bài viết
1. Luật sư tư vấn về bồi thường đất đai
Trong lĩnh vực đất đai, tranh chấp về vấn đề bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là tranh chấp phổ biến. Không thể phủ nhận rằng, mặc dù pháp luật đã quy định rất cụ thể trong các văn bản như Luật đất đai, Nghị định, Thông tư hướng dẫn,… và mỗi một phương án bồi thường đều đã được Ủy ban nhân dân tỉnh lập chi tiết, song, khi tiến hành đền bù thường vướng phải phản đối của người dân.
Với việc bồi thường đất nông nghiệp, người dân thường thắc mắc bởi chi phí bồi thường quá thấp so với giá thị trường nhưng lại không biết căn cứ vào các quy định nào của pháp luật để hiểu được việc bồi thường đó là đúng hay sai. Ở nhiều nơi, lợi dụng tình trạng thiếu hiểu biết của người dân, nhiều cán bộ thường ép giá bồi thường gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Nếu bạn đang có vướng mắc về vấn đề bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, cụ thể là về phương án bồi thường, hỗ trợ hay giá bồi thường về đất đai, nhà cửa, cây cối,… mà chưa tìm được câu trả lời, bạn hãy liên hệ Luật Minh Gia để được giải đáp!
2. Tư vấn đền bù khi Nhà nước thu hồi đất nuôi trồng thủy sản
Câu hỏi:
Kính gửi tới văn phòng luật sư lời chúc sức khỏe và lời chào trân trọng! Hiên gia đình chúng tôi có hơn 4ha đất nuôi trồng thủy hải sản từ năm 2003 tới nay. Trên mảnh đất ấy chúng tôi có ngôi nhà bê tông cấp 4 rông khoảng 160m2. Nay chúng tôi xin tư vấn về giá đất đền bù gồm:
1 Tiền đền bù giá đất nuôi trông thủy hải sản
2 Ngôi nhà cấp 4
3 Tiên chúng tôi đắp đê bờ để nuôi tôm được hỗ trỡ như thế nào.
4 Tiền chúng tôi xây dựng cống rãnh và các vấn đề liên quan để an sinh... Kính mong văn phòng tư vấn và đưa ra các vấn đề liên quan để bảo vệ quyền lợi cho gia đình chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Chào anh! Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn. Trường hợp của anh, chúng tôi tư vấn như sau:
Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai mà chưa được cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật Đất đai; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam mà có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.
Nếu đủ điều kiện được bồi thường khi nhà nước thu hồi đất thì các khoản đền bù được xác định như sau:
Thứ nhất, bồi thường đất nông nghiệp khi nhà nước thu hồi đất
Đất của anh là đất nông nghiệp, việc bồi thường được căn cứ theo quy định tại Điều 77 Luật Đất đai năm 2013.
"Điều 77. Bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân
1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại theo quy định sau đây:
a) Diện tích đất nông nghiệp được bồi thường bao gồm diện tích trong hạn mức theo quy định tại Điều 129, Điều 130 của Luật này và diện tích đất do được nhận thừa kế;
b) Đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức quy định tại Điều 129 của Luật này thì không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại;
c) Đối với diện tích đất nông nghiệp do nhận chuyển quyền sử dụng đất vượt hạn mức trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
2. Đối với đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không có Giấy chứng nhận hoặc không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này thì được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng, diện tích được bồi thường không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 129 của Luật này."
Như vậy, phần đất trong hạn mức được bồi thường về đất. Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
Theo đó, nếu đất của anh là đất nuôi trồng thuỷ sản thì khi thu hồi, Nhà nước giao cho anh một phần đất với cùng mục đích sử dụng (nếu có đất).
Trường hợp không có đất để bồi thường thì anh được bồi thường bằng tiền, tiền bồi thường cụ thể anh tham khảo tại bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm có quyết định thu hồi đất.
Phần đất vượt quá hạn mức được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển nhượng trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì được bồi thường, hỗ trợ theo diện tích thực tế mà Nhà nước thu hồi. Phần đất vượt quá hạn mức do được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển nhượng từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 trở về sau thì không được bồi thường nhưng được hỗ trợ chi phí đầu tư vào đất còn lại.
Thứ hai, về căn nhà cấp bốn xây dựng đất nông nghiệp
Theo thông tin anh cung cấp, đất của anh là đất nông nghiệp, mục đích nuôi trồng thuỷ sản. Do vậy, việc xây dựng nhà trên đất nông nghiệp là hành vi vi phạm pháp luật. Khi nhà nước thu hồi đất, căn nhà xây dựng trên đất nông nghiệp và những công trình hỗ trợ an sinh sẽ không được hỗ trợ bồi thường.
Thứ ba, bồi thường việc đắp đê bờ nuôi tôm
Nếu đủ điều kiện bồi thường về đất, anh được cấp đất với cùng mục đích sử dụng hoặc bồi thường bằng tiền.
Các trường hợp không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm:
a) Đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, trừ trường hợp đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 54 của Luật này;
b) Đất được Nhà nước giao cho tổ chức thuộc trường hợp có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn tiền sử dụng đất;
c) Đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm; đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhưng được miễn tiền thuê đất, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thuê do thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng;
d) Đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn;
đ) Đất nhận khoán để sản xuất nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.
Chi phí đầu tư vào đất còn lại là các chi phí mà người sử dụng đất đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất nhưng đến thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất còn chưa thu hồi hết. Chi phí đầu tư vào đất còn lại gồm toàn bộ hoặc một phần của các khoản chi phí sau:
a) Chi phí san lấp mặt bằng;
b) Chi phí cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp;
c) Chi phí gia cố khả năng chịu lực chống rung, sụt lún đất đối với đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh;
d) Chi phí khác có liên quan đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất.
3. Điều kiện xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại:
a) Có hồ sơ, chứng từ chứng minh đã đầu tư vào đất. Trường hợp chi phí đầu tư vào đất còn lại không có hồ sơ, chứng từ chứng minh thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quy định việc xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại;
b) Chi phí đầu tư vào đất không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
4. Chi phí đầu tư vào đất còn lại được tính phải phù hợp với giá thị trường tại thời điểm có quyết định thu hồi đất và được xác định theo công thức sau:
P = P1+P2+P3+P4 / T1 x T2
Trong đó:
P: Chi phí đầu tư vào đất còn lại;
P1: Chi phí san lấp mặt bằng;
P2: Chi phí cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp;
P3: Chi phí gia cố khả năng chịu lực chống rung, sụt lún đất đối với đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh;
P4: Chi phí khác có liên quan đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất;
T1: Thời hạn sử dụng đất;
T2: Thời hạn sử dụng đất còn lại.
Đối với trường hợp thời điểm đầu tư vào đất sau thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì thời hạn sử dụng đất (T1) được tính từ thời điểm đầu tư vào đất.
Trên đây là một số ý kiến tư vấn của chúng tôi trên cơ sở thông tin anh cung cấp. Nếu còn vấn đề gì chưa rõ, anh vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ giải quyết.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất