Luật sư Trần Khánh Thương

Vợ yêu cầu ly hôn chồng đòi chia vàng khi cưới xử lý thế nào?

Theo truyền thống của người Việt Nam, trong lễ thành hôn thì cô dâu, chú rể thường được cha mẹ, người thân trao tặng vàng như một món quà mừng đám cưới. Vậy số vàng được nhận tặng cho đó sẽ là tài sản riêng hay tài sản chung của vợ chồng? Sau này, khi vợ chồng ly hôn thì sẽ phân chia thế nào?

1. Tư vấn quy định pháp luật về chia tài sản khi ly hôn

Theo quy định pháp luật, tài sản của vợ, chồng sẽ bao gồm tài sản chung và tài sản riêng. Trường hợp vợ chồng ly hôn thì phần tài sản chung sẽ được phân chia theo thỏa thuận của các bên, nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Trên thực tế, việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng là một vấn đề khá phức tạp, nhiều trường hợp rất khó chứng minh. Vậy vàng được bố mẹ tặng trong ngày cưới là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ chồng? Khi ly hôn thì chia số vàng này như thế nào?

2. Trả lời câu hỏi tư vấn về việc chia tài sản là vàng khi ly hôn

Câu hỏi tư vấn: Em và chồng đã thuận tình li hôn, nhưng chồng không thống nhất cách chia tài sản chung của em. Khi cưới, gia đình, họ hàng nhà chồng cho 9.5 chỉ vàng, gia đình nhà em cho 3 chỉ. Cộng lại là được 12.5 chỉ nhưng đã bán 4 chỉ để chữa bệnh cho em giờ còn lại 8.5 chỉ. Em đề nghị chia đôi số vàng còn lại. Tuy nhiên chồng em không đồng ý mà muốn lấy lại toàn bộ số vàng mà nhà chồng đã cho. Vậy luật sư tư vấn cho em giờ việc phân chia tài sản sẽ được giải quyết như thế nào?

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung bạn yêu cầu tư vấn, Công ty Luật Minh Gia xin đưa ra quan điểm như sau:

Thứ nhất, xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng:

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình (“HN&GĐ”) năm 2014 về tài sản chung của vợ chồng như sau:

“Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.”

Theo quy định trên, tài sản mà vợ chồng được tặng cho chung sẽ được coi là tài sản chung. Theo thông tin bạn cung cấp, khi cưới thì gia đình chồng có cho 9.5 chỉ vàng, gia đình bạn cho 3 chỉ vàng, tổng cộng là 12.5 chỉ vàng. Để phân chia số tài sản được tặng cho này trước hết cần xác định việc gia đình hai nhà cho vàng là tặng cho chung vợ chồng bạn hay là tặng cho riêng mỗi người. Pháp luật hiện nay không có quy định về vàng cưới được tặng cho trong hôn lễ là tặng cho chung hay tặng cho riêng, việc chứng minh số vàng cưới là tài sản chung, tài sản riêng dựa trên thời điểm được tặng cho, lời người tặng cho lúc trao vàng cưới, phong tục, tập quán của địa phương. Trường hợp tặng cho chung thì toàn bộ 12.5 chỉ vàng được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Ngược lại, trường hợp tặng cho riêng thì mỗi phần đó sẽ là tài sản riêng của mỗi người (khoản 1 Điều 43 Luật HN&GĐ năm 2014).

Ngoài ra, trường hợp chồng bạn không có căn cứ để chứng minh 9.5 chỉ vàng là tài sản được tặng cho riêng thì số vàng đó sẽ được coi là tài sản chung của vợ chồng (khoản 3 Điều 33 Luật HN&GĐ năm 2014)

- Thứ hai, về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung, tài sản riêng:

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật HN&GĐ năm 2014 về quyền định đoạt tài sản riêng của vợ, chồng như sau:

“Điều 44. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng

1. Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.”

Theo quy định trên, vợ, chồng có quyền tự định đoạt tài sản riêng của mình. Trường hợp số vàng của bạn và chồng được tặng cho là tài sản riêng của mỗi người thì mỗi người có quyền định đoạt đối với tài sản riêng của mình.

Trong quá trình hôn nhân, bạn có bán 4 chỉ vàng để lấy tiền chữa bệnh cho mình, căn cứ quy định tại Điều 30 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì vợ chồng có nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình, trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung và tài sản riêng không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên (Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình).

Do đó, việc chị sử dụng vàng để khám bệnh là phục vụ nhu cầu thiết yếu và có quyền sử dụng tài sản chung của vợ chồng vào mục đích chữa bệnh, trường hợp không có tài sản chung và bản thân chị không đủ tài sản riêng để chữa bệnh thì chồng chị phải có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng để chữa bệnh cho chị. Vì vậy, chồng chị không có căn cứ để đòi lại số vàng đã dùng để chữa bệnh cho chị, cũng không có căn cứ khấu trừ toàn bộ số vàng đó vào tài sản riêng của chị.

- Thứ ba, phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn:

Căn cứ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 59 Luật HN&GĐ năm 2014 về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn như sau:

“Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.”

Theo quy định trên, tài sản của vợ chồng sẽ được chia theo thỏa thuận của các bên; trường hợp các bên thảo thuận không rõ ràng, không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của một bên hoặc cả vợ, chồng thì Tòa án sẽ là cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật. Về nguyên tắc, tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi nhưng có xét đến các yếu tố như hoàn cảnh, công sức đóng góp của các bên…

Theo thông tin đã cung cấp, vợ chồng bạn thuận tình ly hôn nhưng về vấn đề tài sản thì chưa thỏa thuận, hai người đang có những quan điểm khác nhau. Do chưa có đầy đủ các thông tin cần thiết nên chúng tôi chưa thể khẳng định được số vàng mà vợ chồng bạn đang tranh chấp là tài sản riêng hay tài sản chung của vợ chồng để từ đó đưa ra quan điểm phân chia số tài sản đó. Vì vậy, bạn và/hoặc chồng bạn có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyển giải quyết việc phân chia số tài sản trên theo quy định pháp luật.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo