Phạm Diệu

Tư vấn việc đứng tên hai vợ chồng trong sổ hồng và chia tài sản khi ly hôn

Kính chào Luật sư, Trước khi kết hôn, tôi có mua 1 căn hộ chung cư, hoàn toàn bằng tiền riêng của tôi, và có mượn của gia đình 1 số tiền (khoảng 500 triệu, không có giấy tờ mượn tiền). Nay tôi đã kết hôn, căn nhà thì đang làm thủ tục để cấp sổ hồng.

Luật sư cho tôi hỏi, bây giờ nếu sổ hồng đứng tên 2 vợ chồng, thì khi có vấn đề ly hôn xảy ra, căn nhà có còn là tài sản riêng của tôi hay không? hay là tài sản chung? Tôi có cách gì để chứng minh đó là tài sản riêng không? Nếu là tài sản chung, thì có phải bắt buộc chia đôi hay không? Hay chia tùy theo đóng góp của mỗi người. Về số tiền nợ, khi đó sẽ xử lý như thế nào? Xin cảm ơn luật sư.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014, tài sản mà bạn có được trước khi kết hôn là tài sản riêng của bạn, bạn có quyền quyết định nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung. Nếu bạn đăng ký sổ hồng đứng tên hai vợ chồng thì được hiểu là bạn đã quyết định nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung, do đó căn hộ này sẽ là tài sản chung của vợ chồng.  Khoản 4 Điều 98 Luật đất đai 2013 quy định:

"4. Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người".

Như vậy, chỉ khi hai vợ chồng có thỏa thuận nhập tài sản riêng vào tài sản chung thì nó mới trở thành tài sản chung của vợ chồng và được ghi họ tên của cả vợ và chồng vào giấy chứng nhận. Do đó, khi đã đăng ký sổ hồng đứng tên cả vợ và chồng thì bạn không có căn cứ để chứng minh đó là tài sản riêng nữa.

Về số tiền nợ, khoản 3 Điều 46 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

"3. Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác".

Như vậy nếu hai bạn không có thỏa thuận khác về việc trả nợ thì số tiền nợ sẽ được thanh toán bằng tài sản chung. Nếu tài sản chung đã phân chia thì mỗi người thực hiện nghĩa vụ tương ứng với phần tài sản mình nhận được.

Về việc chia tài sản chung, khoản 2 Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

"2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng".

Như vậy, về nguyên tắc thì tài sản chung sẽ được chia đôi khi ly hôn nhưng tòa án sẽ căn cứ vào các yếu tố: hoàn cảnh gia đình, công sức đóng góp, lỗi, bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên để phân chia tài sản sao cho hợp lý.

Trên đây là nội dung tư vấn về: Việc đứng tên hai vợ chồng trong sổ hồng và chia tài sản khi ly hôn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169