LS Vũ Thảo

Phân chia di sản thừa kế ông bà để lại thế nào?

Tôi có một vấn đề kính nhờ luật minh gia giúp đỡ: Bố mẹ tôi hiện đang ở trên đất có nguồn gốc do ông bà để lại và ông bà tôi hiện đã mất cách đây hơn 40 năm, gia đình ông bà tôi có 6 người con và đã có gia đình riêng, mảnh đất này bố mẹ tôi đã sinh sống được hơn 30 năm và đã được nhà nước cấp sổ đỏ vào năm 2004.

Năm 2010 các anh em của bố mẹ tôi có ép bố tôi phải cho chú tôi 1 lô đất và bố tôi có viết một tờ giấy tay có chữ ký của bố mẹ tôi và các cô chú về việc cho lô đất (cái này là bị ép buộc chứ không tự nguyện) và giấy này không có công chứng hay chứng thực hay có ai làm chứng. Năm 2014 đất nhà tôi được cấp đổi từ sổ đỏ sang sổ hồng với diện tích tăng từ 400-600m2, đến năm 2016 các cô chú lại yêu cầu bố tôi tiếp tục viết lại giấy tay như lần trước và lần này chỉ có bố tôi ký mà mẹ tôi không ký. Khoảng T7/2017 các cô chú tôi có khởi kiện tại tòa án đòi bố mẹ tôi cắt đất cho chú tôi, tuy nhiên sau nhiều lần hòa giải không thành thì T4/2018 bố tôi qua đời. Nay các cô chú tôi vẫn tiếp tục kiện lên tòa án đòi mẹ tôi phải cắt đất. Vừa rồi tòa án có lập hội đồng thẩm định xuống xem đất của nhà tôi nhưng mẹ tôi không ký. Cho tôi hỏi:

- Với trường hợp này thì giấy tờ viết tay như trên có hợp lệ không?

- Nếu các cô chú tôi kiện đòi chia thừa kế thì có được không?

- Việc đất nhà tôi được cấp sổ mới làm tăng diện tích đất từ 400-600m2 chú tôi cho rằng đã tính luôn phần đất mà đã thỏa thuận cho chú tôi theo giấy tay (tuy nhiên bản chất không phải vậy) và chú tôi yêu cầu tòa án phải đo đạc lại diện tích đất: cho tôi hỏi hiện chú tôi không có quyền gì về thửa đất trên thì có thể yêu cẩu tòa án đo đạc lại hay không? Và gia đình tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình. Rất mong sự hồi âm của luatminhgia. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về giấy tờ viết tay của bố mẹ bạn:

Căn cứ Điều 132 Bộ luật dân sự 2005 và Điều 127 Bộ luật dân sự 2015 quy định Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép như sau:

"Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

>> Tư vấn chia thừa kế tài sản, gọi: 1900.6169

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình."

Theo quy định trên, nếu một bên tham gia giao dịch dân sự mà bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Đối chiếu với trường hợp của bạn, theo thông tin bạn cung cấp nếu có căn cứ chứng minh hai giấy viết tay của bố mẹ bạn là do bị ép buộc mà có thì gia đình bạn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng tặng cho vô hiệu. Khi đó cô chú bạn không thể căn cứ vào giấy viết tay để yêu cầu gia đình bạn chia đất cho họ.

Thứ hai, về vấn đề phân chia di sản thừa kế:

Theo thông tin bạn cung cấp thì mảnh đất này nguồn gốc của ông bà bạn để lại. Nếu ông bà bạn đã mất và không để lại di chúc thì mảnh đất được coi là di sản thừa kế của ông bà. Tuy nhiên năm 2004 gia đình bạn đã được cấp GCN đối với mảnh đất này, do đó bạn cần làm rõ có căn cứ nào để gia đình bạn được cấp GCN không? (thông qua hợp đồng tặng cho của ông bà, văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế,...). Trường hợp không đủ điêu kiện được cấp GCN thì theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 106 Luật đất đai 2013, Nhà nước có quyền thu hồi GCN đã cấp. Khi đó, những người con của ông bà có thể nộp đơn yêu cầu khởi kiện về quyền thừa kế. Và theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sụ 2015, 6 người con của ông bà mỗi người sẽ được hưởng một phần di sản bằng nhau (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác). 

Căn cứ Điểm a, tiểu mục 2.2, mục 2, phần I Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP quy định thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế như sau:

“a) Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 01/7/1996, thì thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao "hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế".

Khi xác định thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế mà thời điểm mở thừa kế trước ngày 01/7/1991 và di sản là nhà ở thì thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/01/1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện.”

Khoản 4 Điều 36 Pháp lệnh thừa kế 1990:

“4- Đối với các việc thừa kế đã mở trước ngày ban hành Pháp lệnh này thì thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được tính từ ngày công bố Pháp lệnh này.”

Và Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 quy định thời hiệu thừa kế như sau:

“1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này….”

Theo các quy định trên thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế. Vì ông bà bạn đã mất cách đây 40 năm (tức là trước ngày công bố Pháp lệnh thừa kế năm 1990), do đó thời điểm mở thừa kế được tính từ năm 1990. Thời hiệu để những người có quyền thừa kế yêu cầu chia di sản của ông bà bạn là 30 năm, tính từ năm 1990. Như vậy, từ năm 1990 đến năm 2018 là 28 năm, vẫn đang trong thời hiệu thừa kế nên cô chú bạn có quyền yêu cầu chia mảnh đất mà ông bà bạn để lại. Vì bố bạn đã mất nên mẹ bạn, bạn cùng anh chị em bạn (nếu có) sẽ thay bố bạn nhận phần di sản mà bố bạn được thừa kế từ ông bà.

Đối với phần diện tích đất tăng lên nếu là tài sản ông bà bạn thì được coi là di sản thừa kế, còn nếu là tài sản do bố mẹ bạn khai hoang, tạo lập, mua bán,… mà có thì cô chú bạn không có quyền đối với phần đất này.

Như vậy, việc chú bạn nộp đơn lên Tòa yêu cầu phân chia di sản thừa kế của ông bà là có cơ sở và phù hợp với quy định pháp luật. Trường hợp có tranh chấp về diện tích thừa đất thì chú bạn có thể yêu cầu Tòa án đo đạc và xác định lại diện tích mảnh đất đó.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo