Hoàng Tuấn Anh

Tư vấn trường hợp hoà giải tranh chấp đất đai không thành

Luật sư tư vấn trường hợp hoà giải không thành, bên làm đơn yêu cầu không nộp đơn kiện lên cấp trên giải quyết, không rút đơn tố cáo.

  

Nội dung câu hỏi: vấn đề là nhà em là bị đơn. Nguyên đơn là ông bác em. Nộp đơn vào UBND Xã tố cáo gia đình em lấn chiếm - chiếm đoạt phần đất được sử dụng là đường thoát nước nông nghiệp. Qua quá trình xác minh và hoà giải 2 lần UBND Xã có lập biên bản và ghi rõ phần đất sử dụng làm mương nước chính là đất thuộc chủ quyền của nhà em. Và đường mương nước này không phải là đường nước lệ. Lúc hoà giải bên gia đình có nói là sẽ xin cho đi đường nước khác là phần đất kế bên của nội em. Nhưng bên nguyên đơn là bác em không đồng ý. Kết thúc hoà giải bên nguyên đơn không đồng ý với hoà giải và cũng không nộp đơn lên cấp Huyện để xử lý. Hơn 1 tháng trôi qua gia đình em vào UBND xã để đổi từ sổ đỏ sang sổ hồng thì bên Uỷ ban không giải quyết. Nói là do bên nguyên đơn chưa rút đơn. Thưa luật sư trong trường hợp hoà giải không thành và bên nguyên đơn không nộp đơn kiện lên cấp trên vậy thì đến bao giờ đơn tố cáo đó không còn hiệu lực để gia đình em làm các thủ tục chuyển đổi giấy tờ có liên quan. Hoặc gia đình em phải làm như thế nào để giải quyết vấn đề này? Rất mong được luật sư giải đáp. Em xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 về hòa giải tranh chấp đất đai như sau:

 

“1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

 

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

 

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

 

4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp”.

 

Tại Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2013 quy định thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai như sau:

 

“4. Trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới sử dụng đất, chủ sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải thành đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định tại Khoản 5 Điều 202 của Luật Đất đai. 

 

Trường hợp hòa giải không thành hoặc sau khi hòa giải thành mà có ít nhất một trong các bên thay đổi ý kiến về kết quả hòa giải thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo”.

 

Như vậy, trong trường hợp hai bên hòa giải không thành thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo. Bên làm đơn yêu cầu không rút đơn thì bạn có thể làm đơn yêu cầu Toàn án giải quyết.

 

Theo Điều 203 Luật đất đai năm 2013 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai:

 

Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

 

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

 

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

 

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

 

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.

 

Trong trường hợp này, qua quá trình xác minh và hoà giải 2 lần Ủy ban nhân dân cấp xã có lập biên bản và ghi rõ phần đất sử dụng làm mương nước là đất thuộc phần đất nhà bạn. Nếu bạn có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì bạn có thể làm đơn khởi kiện gửi lên tòa đều yêu cầu tòa giải quyết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Lê Phương Thảo - Luật Minh Gia  

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169