Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn thủ tục và điều kiện nhận nuôi con nuôi

Quy định cụ thể về thủ tục và điều kiện nhận nuôi con nuôi bao gồm điều kiện về độ tuổi, năng lực hành vi, tư cách đạo đức và các vấn đề khác liên quan như sau:

Luật Nuôi con nuôi quy định người nhận con nuôi phải hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; có điều kiện kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục.

Theo quy định tại Điều 3 Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011 thì mục đích nuôi con nuôi nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình.

Điều 14 Luật Nuôi con nuôi quy định người nhận con nuôi phải thỏa mãn các điều kiện sau:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

d) Có tư cách đạo đức tốt.

Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c.

Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi ngoài các các điều kiện nêu trên còn phải có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật nước nơi người đó thường trú.

Đối với trường hợp của bạn, do bạn không nói rõ nhân thân của hai người bác ruột như thế nào nên chúng tôi không thể khẳng định được trong hai người bác đó ai sẽ được ưu tiên lựa chọn trong việc nhận cháu ruột làm con nuôi. Tuy nhiên, bạn có thể căn cứ quy định về thứ tự ưu tiên lựa chọn cha mẹ nuôi dưới đây để tự xác định trong trường hợp của mình:

a) Cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi;

b) Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước;

c) Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam;

d) Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

đ) Người nước ngoài thường trú ở nước ngoài.

Trường hợp hai người bác ruột cùng hàng ưu tiên mà không tự thỏa thuận được ai sẽ là mẹ nuôi và cùng nộp hồ sơ xin nhận con nuôi thì cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ xem xét, giải quyết cho người có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nuôi tốt nhất.

Để bảo đảm quyền lợi của người con nuôi cũng như trách nhiệm của cha mẹ nuôi, pháp luật quy định một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng. Do vậy với quy định này 2 người bác ruột của cháu không thể cùng nhận cháu làm con nuôi.

Để đăng ký việc nuôi con nuôi, đối với trường hợp cụ thể mà bạn nêu thì người bác ruột và người giám hộ của cháu cần thực hiện như sau:

Theo quy định tại Điều 31 Luật Nuôi con nuôi, người bác ruột nộp 2 bộ hồ sơ xin nuôi con nuôi cho Bộ Tư pháp thông qua cơ quan trung ương về nuôi con nuôi của nước nơi người nhận con nuôi thường trú hoặc nộp hồ sơ trực tiếp cho Bộ Tư pháp. Hồ sơ gồm có:

a) Đơn xin nhận con nuôi;

b) Bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;

c) Văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam;

d) Bản điều tra về tâm lý, gia đình;

đ) Văn bản xác nhận tình trạng sức khoẻ;

e) Văn bản xác nhận thu nhập và tài sản;

g) Phiếu lý lịch tư pháp;

h) Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

i) Tài liệu chứng minh quan hệ bác ruột và cháu ruột.

Các giấy tờ, tài liệu quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g và h do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người nhận con nuôi thường trú lập, cấp hoặc xác nhận.

Theo quy định tại Điều 32 Luật Nuôi con nuôi, người giám hộ của cháu bé nộp 3 bộ hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi cháu thường trú. Hồ sơ gồm có:

a) Giấy khai sinh;

b) Giấy khám sức khoẻ do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;

c) Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;

d) Giấy chứng tử của cha đẻ, mẹ đẻ;

e) Văn bản về đặc điểm, sở thích, thói quen đáng lưu ý của trẻ em.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ của người nhận con nuôi, Sở Tư pháp xem xét, kiểm tra hồ sơ và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Sở Tư pháp trình, nếu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đồng ý thì thông báo cho Sở Tư pháp để làm thủ tục chuyển hồ sơ cho Bộ Tư pháp.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo, Bộ Tư pháp kiểm tra việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi, nếu hợp lệ thì lập bản đánh giá việc trẻ em Việt Nam đủ điều kiện được làm con nuôi nước ngoài và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người nhận con nuôi thường trú.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người nhận con nuôi thường trú thông báo về sự đồng ý của người nhận con nuôi đối với trẻ em được giới thiệu, xác nhận trẻ em sẽ được nhập cảnh và thường trú tại nước mà trẻ em được nhận làm con nuôi, Bộ Tư pháp thông báo cho Sở Tư pháp.

Sau khi nhận được thông báo của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Sở Tư pháp trình, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.

Ngay sau khi có quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tư pháp thông báo cho người nhận con nuôi đến Việt Nam để nhận con nuôi. Người nhận con nuôi phải có mặt ở Việt Nam để trực tiếp nhận con nuôi trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Sở Tư pháp; trường hợp vợ chồng xin nhận con nuôi mà một trong hai người vì lý do khách quan không thể có mặt tại lễ giao nhận con nuôi thì phải có ủy quyền cho người kia; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn trên có thể kéo dài, nhưng không quá 90 ngày. Hết thời hạn nêu trên, nếu người nhận con nuôi không đến nhận con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hủy quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.

Sở Tư pháp đăng ký việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch và tổ chức lễ giao nhận con nuôi tại trụ sở Sở Tư pháp.

Có thể bạn quan tâm:

>> Tổng đài tư vấn pháp luật Hôn nhân gia đình

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169