Nguyễn Thị Thùy Dương

Tư vấn Nợ chung sau khi ly hôn.

Tôi đang làm thủ tục ly hôn đơn phương với chồng của tôi nhưng đang vướng phải vấn đề Nợ chung như sau: Chồng tôi không làm việc nên tôi có đứng ra mượn tiền bạn A cho anh buôn bán kinh doanh và chi tiêu hàng tháng do tôi có bầu và sanh bé nhỏ nên tiền lương bị giảm đáng kể.Tôi mượn tiền nhưng ko có giấy tờ làm chứng.Số tiền anh nói vay để buôn bán nhưng thật ra là cá độ đá banh và trả Nợ cờ bạc mà tôi ko được biết.

Nay tôi ly hôn thì số Nợ đó giải quyết như thế nào.Số tiền Nợ lên đến 700tr thì án phí phải thanh toán như thế nào. Tôi có việc làm ổn định và kinh tế hơi khó khăn,tôi muốn nuôi 2 bé và anh phải trợ cấp như thế nào vì thời gian qua gần 1 năm anh không hề trợ cấp hay thăm hỏi cũng như trả bớt tiền lời của khoản Nợ.Anh không có tài sản riêng,chỉ còn 1 miếng đất của cha mẹ ruột anh ấy nố miệnh sẽ bán để anh trả Nợ. Chúng tôi không có tài sản chung. Tôi có quyền yêu cầu anh ký giấy uỷ quyền làm Cha cho tôi ko?Nghĩa là sau này tôi cần anh ký tên các hồ sơ hay thủ tục cho các con tôi về chuyện học hành hay xuất cảnh mà không bị anh vòi tiền mới ký. 

TRẢ LỜI

Chào bạn, Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy đinh về vấn đề nợ chung của vợ chồng như sau:

Điều 27. Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng

1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.

2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này."

Điều 30. Quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình

1. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng.

Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

Theo như thông tin chị cung cấp thì chị đã vay số tiền đó nhằm đáp ứng cho những sinh hoạt cho cả gia đình và cho việc tiêu dùng cá nhân của chồng chị, chính vì vậy mà vợ chồng chị đều có nghĩa vụ đối với khoản nợ này, mặc dù khoản nợ này do cá nhân chị đứng ra vay. Do đó mà nghĩa vụ đối với khoản nợ này sẽ được chia đôi cho cả hai vợ chồng chị mỗi người phải trả 350 triệu đồng.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 131 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004: “Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải nộp án phí sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc toà án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trong trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm”.

Theo đó, chị là người đơn phương ly hôn thì chị sẽ phải nộp án phí sơ thẩm. Mức án phí dân sự sơ thẩm chị phải nộp là 200.000 đồng.

Tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

"1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."

Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”

Như vậy, vợ chồng chị có thể thỏa thuận về việc ai sẽ  trực tiếp nuôi con ai, ai sẽ cấp dưỡng. Nếu không thỏa thuận được, thì Tòa sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con để giao con cho ai có khả năng chăm sóc tốt cho con nhất. Trường hợp con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phỉ xem xét nguyện vọng của con

Trường hợp con của chị dưới 36 tháng tuổi thì chị được trực tiếp nuôi dưỡng con, trừ trường hợp chị không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con thì bé sẽ được giao cho bố nuôi.

Người chồng không trực tiếp nuôi con thì có nghĩa vụ cấp dưỡng cho 2 con đến khi 2 bé trưởng thành.

Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

“1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”

Như vậy theo quy định của pháp luật, nếu chị là người nuôi dưỡng trực tiếp của con thì chị chỉ có các quyền quy định tại khoản 1 Điều 83 Luật hôn nhân và gia đình 2014 và không có quyền yêu cầu chồng mình phải viết giấy ủy quyền để chị thay anh ta làm tất cả những vấn đề liên quan đến con của hai người sau này. Vì nếu như làm như vậy là sẽ là tước bỏ hết quyền của người cha đối với con của mình, chị chỉ có thể thương lượng, thuyết phục để chồng chị tự nguyện viết đơn, và chị không có quyền yêu cầu anh ta làm việc đó.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169