Phương Thúy

Tư vấn hành vi lấn chiếm đất

Tôi muốn tư vấn về vấn đề lấn chiếm đất đai. Nội dung tư vấn của tôi như sau:


Câu hỏi tư vấn: 

Tại hội nghị hòa giải UBND xã đã xác định thẩm quyền thửa đất và phân tích, chỉ rõ nội dung của ông Nhanh đề nghị. Căn cứ vào tài liệu UBND xã quản lý, tài liệu do hai bên cung cấp, ý kiến của các thành phần tham dự hội nghị, UBND xã kết luận như sau:

- Theo giấy chứng nhận QSD đất của bà Vũ Thị Thủy số 1652 ngày 21/6/1996 của UBND huyện Yên Khánh cấp, bà Vũ Thị Thủy được nhà nước giao đất tại tờ bản đồ số P7 thửa 1905 với diện tích là 865 m2 trong đó 360m2 đất ở lâu dài, 505m2 đất vườn lâu dài

- Ngày 14/5/2004 UBND huyện Yên Khánh phê duyệt cho bà Vũ Thị Thủy chuyển nhượng 659 m2 trong đó 200m2 đất ở, 459m2 đất vườn tại bản đồ số P7 thửa 1905 cho ông Vũ Văn Hòa thôn Khê Thượng, ông Vũ Văn Hòa đã được cấp giấy chứng nhận QSD đất theo quy định và hộ gia đình bà Vũ Thị Thủy còn 160 m2 đất ở và 46 m2 đất vườn theo giấy chứng nhận của bà Vũ Thị Thủy

- Theo giấy chứng nhận QSD đất của ông Ngô Văn Nhanh số 1596 ngày 21/6/1996, UBND huyện Yên Khánh cấp thì diện tích 125m2 đất vườn tại tờ bản đồ số P7 thửa 1890 đang thuộc quyền sử dụng đất của ông Ngô Văn Nhanh thôn Khê Thượng, diện tích 125m2 này không liên quan đến việc chuyển nhượng đất giữa bà Vũ Thị Thủy và ông Vũ Văn Hòa thôn Khê Thượng.

- UBND xã yêu cầu ông Ngô Văn Nhanh có trách nhiệm quản lý và sử dụng thửa đất trên theo quy định của pháp luật.

Xin hỏi luật sư!
Tôi là Ngô Văn Nhanh. Theo như thông báo của UBND xã tôi có quyền quản lý và sử dụng mảnh đất 125 m2 đất vườn trên. Tôi đã ra gặp gia đình nhà ông Vũ Văn Hòa có thực hiện thông báo của UBND xã thì ông Hòa bảo không và đã trả lại thông báo trên cho UBND xã và tôi có đơn đề nghị UBND xã về chỉ rõ mốc giới nhưng cán bộ địa chinh xã chỉ cho tôi sơ đồ mảnh đất và có hỏi ông chủ tịch xã thì nhận được câu trả lời “ nhà nước đã giao đất cho bác thì đất của bác, bác cứ làm có chuyện gì xảy ra tôi chịu trách nhiệm trước bác” và không về xác định mốc giới mảnh đất. Hiện trạng mảnh đất đó gia đình ông Hòa đang trồng ngô và có xây tường xin luật sư tư vấn. Dự tính sau khi ông Hòa thu hoạch ngô xong tôi sẽ ra cắm mốc và canh tác theo số đo của ban địa chính xã cấp. Tôi rất lo ngại gia đình ông Hòa cản trở hoặc gây xô sát không đáng có
Vậy một lần nữa kính mong luật sư tư vấn! để tôi làm đúng pháp luật và có cần gửi đơn đề nghị lên cấp cao hơn để giải quyết mảnh đất trên một cách dứt điểm không? Hay chỉ cần quyết định như trên của UBND xã là đủ?


 Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn, công ty chúng tôi tư vấn như sau:

Bạn đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, như vậy, các tổ chức, cá nhân phải tôn trọng quyền sử dụng đất của bạn.Theo bạn trình bày, gia đình ông Hòa có hành vi lấn chiếm đất đai vi phạm pháp luật đất đai.Căn cứ:
Tại Điều 12 Luật đất đai 2013 có quy định:

“Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.

...

9. Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo quy định của pháp luật.

10. Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.”

 Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra, nhà nước khuyến khích các bên tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải cơ sở.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 202 Luật đất đai 2013 quy định: Nếu hai bên không hòa giải đơcj thì gửi đơn đến UBND xã nới có đất tranh chấp để hòa giải.
Nếu YBND xã hòa giải không thành, thì theo quy định tại Điều 203 Luật đất đai 2013, bạn có thể nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại tòa án nhân dân cấp huyện hoặc UBND cấp huyện nơi có bất động sản để giải quyết tranh chấp. Căn cứ:

Điều 203. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;

3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.

 
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 10  Nghị định 102/2014/NĐ-CP Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có quy định như sau:

“Điều 10. Lấn, chiếm đất

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.

...

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;

b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn hành vi lấn chiếm đất. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
Chuyên viên Hoàng Phương Thảo - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn