Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai về lấn chiếm đất đai

Kính chào quý luật sư, nay tôi gửi thư này đến quý luật sư với nội dung như sau: Năm 1980 ông nội tôi có cho cha tôi 3000m vuông đất trồng lúa, đến năm 1992 cha tôi không trồng lúa nữa chuyển qua nuôi tôm, nên cha tôi có chừa ra một khoảng đất ngang 5m dài 50m để ông tôi làm đường dẫn nước.

 

Đến năm 1995 nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cha tôi bằng phần đất ông tôi đã cho cha tôi như ban đầu. Đến năm 2004 ông tôi mất, chú tôi thừa kế đất của ông tôi và tiếp tục sử dụng đường nước nói trên. Đến nay chú tôi không sử dụng đường nước nữa nên cha tôi có yêu cầu chú tôi trả lại phần đất  trên nhưng chú tôi không đồng ý. Vậy tôi xin hỏi: -Theo luật đất đai hiện hành liệu cha tôi có lấy lại được phần đất nói trên không? (cha tôi có giấy chứng nhận quyền sử dụng phần đất trên).- Khi UBND xã tiếng hành hòa giải do em trai tôi không đồng ý ký tên vào biên bản hòa giải thì hướng giải quyết của UBND xã là như thế nào? Mong quý luật sư giải đáp giúp tôi. Thành thật cảm ơn quý luật sư.

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi đưa ra sự tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, theo bạn trình bày, khoảng đất ngang rộng 5m dài 50m mà cha bạn sử dụng làm ống dẫn nước thuộc diện tích đất mà cha bạn đứng tên. Việc chú bạn sử dụng mà không được sự đồng ý của cha bạn là trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cha bạn đã biết về việc sử dụng ống dẫn nước này của người chú và không có ý kiến. Điều 166 Luật Đất đai năm 2013 quy định về quyền của người sử dụng đất như sau:

 

“Điều 166. Quyền chung của người sử dụng đất

 

1. Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

 

2. Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.

 

3. Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp.

 

4. Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp.

 

5. Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.

 

6. Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này.

 

7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.”

 

Như vậy, dựa vào các căn cứ và sự phân tích ở trên, mảnh đất có ống dẫn nước vẫn thuộc quyền sở hữu hợp pháp của cha bạn vì phần đất đó vẫn đang đứng tên cha bạn, hành vi của chú bạn là hành vi lấn chiếm đất đai. Theo Luật Đất đai năm 2013 quy định:

 

“Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.
...
10. Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.”

 

Tại Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có quy định như sau:

“Điều 10. Lấn, chiếm đất

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.
...
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;

b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Theo các quy định trên, hành vi lấn chiếm đất và chặt phá cây nhà bạn của người hàng xóm là hành vi vi phạm pháp luật đất đai, và tùy theo hành vi và mức độ lấn chiếm, vi phạm thì sẽ bị áp dụng mức phạt tương ứng.

 

Thứ hai, về việc hòa giải đất đai, bạn tham khảo quy định của Luật Đất đai như sau:

 

“Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai

 

1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

 

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

 

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

 

4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

 

5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.

 

Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”

 

“Điều 203. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

 

Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

 

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

 

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

 

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

 

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;

 

3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

 

a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

 

b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

 

4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.”

 

Như vậy, nếu việc hòa giải tại UBND cấp xã không thành thì tranh chấp sẽ được giải quyết theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai năm 2013.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Nguyễn Khánh Phượng - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn