Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Công ty giải thể tính trợ cấp mất việc làm thế nào?

Xin cho tôi hỏi hiện tôi đang làm việc tại nhà khách UBND tỉnh, tôi làm từ năm 1997 tới nay theo hợp đồng không xác định thời hạn và cơ quan là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về thu chi. Nay tỉnh có chủ trương cho doanh doanh nghiệp thuê lại toàn bộ cơ sở hạ tầng và không còn tồn tại nhà khách tuy nhiên lại yêu cầu doanh nghiệp phải tiếp nhận người lao động nếu có nhu cầu làm việc cho họ và tất nhiên mọi chế độ, quyền lợi cũng như lương sau này hoàn toàn khác với hiện tại

(hiện tại chúng tôi đang hưởng lương theo Nghị định 24/2004 lương kỹ thuật) và UBND tỉnh gọi là chuyển giao và cũng không còn tồn tại nhà khách nữa. Vậy cho tôi hỏi căn cứ điểm a khoản 3 Điều 3 Nghị định 55/2012 chúng tôi có thuộc diện giải thể không và có được hưởng trợ cấp mất việc không? Tôi xin cảm ơn!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung yêu cầu tư vấn của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 55/2012/NĐ-CP quy định về điều kiện giải thể đơn vị sự nghiệp công lập như sau:

"3. Điều kiện giải thể đơn vị sự nghiệp công lập

Việc giải thể đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện khi có một trong các điều kiện sau:

a) Không còn chức năng, nhiệm vụ;

b) Ba năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoạt động không có hiệu quả theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền thành lập;

c) Theo yêu cầu sắp xếp về tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập để phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt."

>> Tư vấn vướng mắc về tính trợ cấp mất việc làm, gọi: 1900.6169

Theo quy định trên thì điều kiện để giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thì đơn vị sự nghiệp công lập phải thuộc một trong các trường hợp như: Không còn chức năng, nhiệm vụ; Ba năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoạt động không có hiệu quả theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền thành lập hoặc theo yêu cầu sắp xếp về tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập để phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối chiếu với trường hợp của bạn đơn vị cho doanh nghiệp thuê lại toàn bộ cơ sở hạ tầng và không còn tồn tại nhà khách thì thuộc trường hợp giải thể theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 Nghị định 55/2012/NĐ-CP.

Theo đó, khi bạn nghỉ việc thì đơn vị phải có trách nhiệm chi trả chế độ trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 49 Bộ luật lao động 2012 như sau:

"Điều 49. Trợ cấp mất việc làm

1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm."

Như vậy, trong trường hợp này khi anh nghỉ việc thì đơn vị có trách nhiệm chi trả chế độ trợ cấp mất việc làm cho anh đối với những năm anh làm việc trước 2009, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương (từ ngày 01/01/2009 bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp nên đơn vị không có trách nhiệm chi trả). Giả sử, anh bắt đầu làm việc từ ngày 01/01/1997, tính đến hết ngày 31/12/2008 anh có 12 năm làm việc, tương ứng 12 tháng tiền lương trợ cấp mất việc làm. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi anh mất việc làm.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo